Cụ thể, hầu hết pin Lithium-Ion - loại hình pin phổ biến nhất hiện nay - đều sẽ trở nên vô dụng chỉ sau vài năm sử dụng. Dù khoảng thời gian này là tạm đủ với thiết bị số của thị trường tiêu dùng (ví dụ như điện thoại di động hay máy tính xách tay), những hệ thống lưu trữ năng lượng chuyên dụng lại cần thời gian sử dụng hơn thế rất nhiều, song song với mức sụt giảm điện tích theo từng năm thấp hơn.
Để giải quyết bài toán trên, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Havard (Mỹ) đã có một phát kiến pin mới dựa trên công nghệ lưu điện trong nước, cho phép loại pin này tích trữ năng lượng ít nhất là hơn 1 thập kỷ. Bí quyết nằm ở việc thay đổi các phân tử trong chất điện phân, ferrocen, viologen giúp chúng ổn định hơn, có thể hoà tan trong nước, đồng thời không bị phân huỷ. Khi hoà trong nước trung tính, nó có thể đạt ngưỡng ổn định tới mức chỉ mất 1% dung lượng sau mỗi 1.000 chu kỳ sạc/xả. Nói cách khác, người dùng sẽ chỉ cảm nhận được hiện tượng suy giảm hiệu quả sử dụng ít nhất là sau vài năm vận hành.
Bên cạnh khả năng lưu điện bền bỉ hơn, việc sử dụng nước trong pin cũng là tín hiệu vui đối với môi trường sống và ngành công nghiệp nói chung (do chi phí sản xuất giảm). Nước cũng không độc hại hay mang tính ăn mòn như axit được dùng trong các thiết kế pin chất lỏng bấy lâu nay, đồng nghĩa rằng nó sẽ không phá huỷ các linh kiện xung quanh mỗi khi bị rò rỉ, cũng như không còn cần tới các loại bơm hay bể chứa chuyên dụng phục vụ cho quá trình tuần hoàn. Cuối cùng, người dùng hay các đơn vị triển khai cũng không phải bảo dưỡng hay bảo trì với chu kỳ dày đặc và chi phí tốn kém như trước kia.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu chưa hé lộ gì về lộ trình đưa công nghệ pin mới ra thị trường. Tuy nhiên, đây chắc chắn sẽ là giải pháp được thế giới đón nhận mạnh mẽ trong tương lai - đặc biệt là trong bối cảnh hầu hết các quốc gia, các ngành công nghiệp đều hướng tới những giải pháp năng lượng tái tạo.
Nguồn Hanoimoi.com.vn