Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Quảng Nam là phần mềm dùng để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức và công dân. Trong phần mềm này, bản đồ thực thi thể chế Quảng Nam là nơi người dân có thể xem kết quả xử lý hồ sơ của các địa phương và sở, ban, ngành trong tỉnh.
Hướng tới phục vụ người dân tốt nhất, nhanh nhất
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho hay, theo số liệu thống kê trên bản đồ thực thi thể chế Quảng Nam, trong 3 tháng đầu năm, với kết quả xử lý hồ sơ TTHC theo tuyến huyện thì chỉ huyện miền núi Bắc Trà My đạt trên 90% kết quả xử lý đúng và trước hạn.
Cụ thể, tại huyện Bắc Trà My, có 14.428 hồ sơ tiếp nhận trong 3 tháng đầu năm, 12.903 hồ sơ được xử lý đúng và trước hạn (gồm cả hồ sơ trước năm 2021) đạt tỷ lệ 90,34%. Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My ông Thái Hoàng Vũ cho biết, để đạt được tỷ lệ đó cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền từ xã đến huyện.
“Chúng tôi giao Văn phòng HĐND và UBND huyện thường xuyên theo dõi tình hình giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa của huyện để báo cáo hằng tuần. Một cửa điện tử cũng hỗ trợ quan trọng trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hồ sơ TTHC ở từng giai đoạn, bộ phận, giúp phát hiện hồ sơ đang ở đâu, thời hạn giải quyết… để hướng tới phục vụ người dân tốt nhất, nhanh nhất”, ông Vũ nói.
Xếp thứ 2 là TP Tam Kỳ, trong 3 tháng đầu năm tiếp nhận 31.513 hồ sơ, 29.278 hồ sơ được xử lý đúng và trước thời hạn (gồm cả hồ sơ trước năm 2021) chiếm tỷ lệ 88,79%.
Theo Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ ông Bùi Ngọc Ảnh, trong năm 2021, thành phố chọn người đứng đầu đơn vị để thay đổi, quyết tâm thay đổi hoàn toàn trong môi trường số. Ông Ảnh chia sẻ: “Thành phố tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức. Thành phố lấy người dân làm trọng tâm, phải có công dân số, xã hội số, kinh tế số và chính quyền số để phát triển kinh tế, xã hội bền vững”.
Khi nhắc đến việc vẫn còn hơn 20% hồ sơ còn chưa xử lý trước và đúng hạn, một số TTHC rườm rà, phức tạp nhất là TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai, người đứng đầu thành phố Tam Kỳ đã đưa ra các giải pháp.
Bản đồ thực thi thể chế Quảng Nam, người dùng có thể nhìn thấy được tiến độ giải quyết TTHC
Cụ thể là UBND TP Tam Kỳ đã có quyết định ủy quyền cho thủ trưởng các phòng chuyên môn giải quyết một số thủ tục hành chính trên lĩnh vực: tư pháp, thông tin truyền thông, bảo trợ xã hội... để rút ngắn thời gian giải quyết cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu những sáng kiến, cách làm hay về cải cách hành chính để áp dụng.
Nâng cấp phần mềm, xây dựng kho lưu trữ
Trao đổi với VietNamNet, Giám đốc trung tâm CNTT và Truyền thông Quảng Nam, ông Trương Thanh Bình cho biết, hiện nay 100% các cơ quan, đơn vị giải quyết TTHC trên địa bàn đã sử dụng phần mềm.
“Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa của tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận 854.654 hồ sơ. Trong đó cấp tỉnh là 186.810 hồ sơ, cấp huyện 460.388 và cấp xã 207.456 hồ sơ”, ông Bình nói.
Cùng với những thay đổi trong quá trình thực hiện, ông Bình cũng chỉ rõ những khó khăn khi áp dụng giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
Theo ông Bình, đánh giá của Bộ TT&TT về chất lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ở Quảng Nam chưa cao; người dân phải cung cấp, kê khai thông tin nhiều lần... Một trong những rào cản khiến người dân chưa mặn mà sử dụng DVCTT là quy trình phức tạp, ngại thao tác online, tâm lý nhiều người muốn gặp trực tiếp cán bộ thụ lý hồ sơ để yên tâm hơn.
Về định hướng giúp người dân dễ dàng tiếp cận giải quyết TTHC, ông Bình nêu giải pháp: Quảng Nam đang từng bước cung cấp các hình thức tiếp nhận hồ sơ của người dân và doanh nghiệp qua mạng xã hội Zalo, Facebook, ứng dụng dùng chung của tỉnh Smart Quảng Nam.
“Tỉnh đang tiến hành nâng cấp phần mềm, xây dựng kho lưu trữ kết quả để các cơ quan, đơn vị, địa phương số hóa hồ sơ đáp ứng các yêu cầu về đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC”, ông Bình cho hay.
Theo Vietnamnet.vn