Với sản phẩm này, nhóm startup Hachi đã liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng về khoa học, công nghệ và khởi nghiệp.
Hệ thống thuỷ canh thông minh nhà phố
Hệ thống trồng rau thông minh này do Đặng Xuân Trường - cựu sinh viên công nghệ thông tin (CNTT) Đại học Bách khoa Hà Nội - thiết kế. Theo TS Chử Đức Hoàng - Phó phòng Tài trợ đề tài hoạt động, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, đây là một trong các dự án tiên phong về ứng dụng IoT vào nông nghiệp ở Việt Nam.
Trường chia sẻ, chưa bao giờ anh nghĩ sẽ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và quyết định đó đến rất tình cờ: “Năm 2015, tôi có cơ hội tiếp xúc với các sinh viên nông nghiệp, nghe những trăn trở của họ về kỹ thuật trồng trọt và nhận thấy tiềm năng của nghề này rất lớn nếu ứng dụng CNTT. Đó cũng là thời điểm vấn đề thực phẩm bẩn cực nóng trên báo, đài nên tôi quyết tâm làm ra sản phẩm giúp ứng dụng công nghệ vào giải bài toán thực phẩm sạch ở đô thị”.
Trường nhận thấy, hầu hết thiết bị nông nghiệp thông minh sử dụng công nghệ IoT nhập từ Israel hay Nhật Bản đều có giá hàng chục nghìn USD, lại dùng ngôn ngữ nước ngoài, gây khó khăn cho người dùng Việt. Anh đặt mục tiêu đưa ra một giải pháp có chi phí hợp lý, dễ dùng, có lượng dữ liệu tự động về các loại cây trồng.
Cùng với ThS nông nghiệp Hoàng Yến Mai, anh kêu gọi thêm các thành viên khác thực hiện dự án áp dụng nông nghiệp công nghệ cao Hachi.
Khó khăn lớn nhất lúc đó là dự án đòi hỏi nhiều chi phí cho phần cứng, thiết bị nông nghiệp và phát triển ứng dụng trên di động. Sau khi hoàn thiện phiên bản mẫu của sản phẩm, nhóm lại vấp phải thách thức trong việc hoàn thiện và thương mại hoá sản phẩm do thiếu kinh nghiệm.
Để giải quyết, họ tìm đến vườn ươm khởi nghiệp Vietnam Silicon Valley và được hỗ trợ vốn ban đầu. Sau gần một năm, hệ thống điều khiển IoT cho sản phẩm thuỷ canh thông minh nhà phố Hachi đã hoàn thiện.
Hệ thống gồm: Ứng dụng trên thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android và iOS để kiểm soát thông số về độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, kích hoạt led và máy bơm theo chế độ phù hợp với từng loại cây; thiết bị phần cứng IoT kết nối với ứng dụng di động, nhận lệnh để điều khiển led, máy bơm rồi gửi dữ liệu về môi trường lên server và hệ thống thuỷ canh thông thường.
“Hệ thống có thể tự động giám sát các điều kiện môi trường qua ứng dụng trên smartphone. Hệ thống sẽ tự động tải về dữ liệu của từng loại cây trên server của Hachi để kích hoạt chế độ chăm sóc thông qua mạng wifi” - Xuân Trường chia sẻ.
Theo TS Chử Đức Hoàng, tính mới trong giải pháp này của Hachi là đưa công nghệ điện toán đám mây vào ứng dụng di động để điều khiển từ xa và có một quy trình công nghệ ưu việt, có thể chăm bón cho từng loại cây khác nhau theo nhu cầu.
Tăng 50% sản lượng, rút ngắn 30% thời gian thu hoạch
Bước đầu tiên để sử dụng hệ thống thông minh này là tải ứng dụng trên di động và đăng ký, đăng nhập, quét mã QRCode trên thiết bị của Hachi rồi đăng nhập wifi để kết nối với server. Sau đó, người dùng mở ứng dụng di động đã được kết nối với thiết bị, chọn loại cây đang trồng và kích hoạt chế độ tự động. Mọi thao tác chăm sóc sẽ được thực hiện cho loại cây đó. Hệ thống áp dụng được với hầu hết các loại rau ăn lá và rau gia vị.
Đến nay, 50 hệ thống thuỷ canh thông minh nhà phố đã được bán ra với giá từ 2-3 triệu đồng. Chi phí vận hành hằng tháng khoảng 50.000 đồng gồm hạt giống, điện, dịch dinh dưỡng. “Giải pháp của Hachi có thể giúp tăng 30-50% tốc độ sinh trưởng của cây, cách ly rau với môi trường bên ngoài và trồng được những loại cây trái vụ, khó trồng ở điều kiện tự nhiên” - ThS Hoàng Yến Mai cho biết.
Bà Đặng Oanh Oanh ở Hà Nội - một khách hàng của Hachi - cho biết: “Tôi biết đến Hachi khi xem chương trình khởi nghiệp trên truyền hình và quyết định lắp thử. Từ ngày có hệ thống này, tôi không phải bận tâm nhiều đến việc chăm sóc mà cứ ngồi ở văn phòng, đến giờ là mở smartphone ra bấm nút, hệ thống chăm sóc ở nhà sẽ tự chạy”.
Cây trồng bằng hệ thống này nhanh được thu hoạch hơn, chỉ 10-15 ngày với rau ăn lá thông thường nếu dùng cây giống của Hachi và 20-25 ngày nếu tự gieo hạt. Theo Đặng Xuân Trường, kết quả thử nghiệm của nhóm cho thấy hệ thống Hachi có thể giúp tăng 50% sản lượng và giảm 30% thời gian chờ thu hoạch.
Hệ thống thuỷ canh thông minh nhà phố Hachi đã đoạt hàng loạt giải thưởng như giải Dự án nông nghiệp xuất sắc nhất cuộc thi Startupwheel 2016, giải Dự án tiềm năng nhất cuộc thi khởi nghiệp Lotte 2016, giải Start-up triển vọng - Nhân tài đất Việt năm 2016. |
Nguồn Khoahocphattrien