Sản phẩm cao su xuất khẩu tăng 21,3%/năm
Theo Hiệp hội cao su Việt Nam, trong 3 năm từ 2012 đến năm 2014, diện tích cây cao su tại Việt Nam được mở rộng thêm 176.100 ha và đạt tổng diện tích 977.700 ha. Sản lượng năm 2014 đạt 953.700 tấn và năng suất đạt 1.692 kg/ha. Việt Nam tiếp tục xếp thứ 3 về sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới với thị phần khoảng 7,9%, sau Thái Lan (35,8%), Indonesia (26,1%).
Mặc dù xuất khẩu cao su thiên nhiên thời gian qua giảm mạnh về giá trị do giá sụt giảm liên tục trên toàn cầu dưới áp lực cung vượt cầu nhưng ngành cao su vẫn đảm bảo mục tiêu về lượng và đạt trên 1 triệu tấn mỗi năm nhờ doanh nghiệp (DN) ngành cao su luôn tích cực đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường.
Đặc biệt, trong bối cảnh giá nguyên liệu cao su sụt giảm, ngành cao su lại có điểm sáng tích cực của lĩnh vực công nghiệp cao su. Theo đó, giá trị của sản phẩm cao su Việt Nam xuất khẩu đã phát triển tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 3 năm 2012 – 2014 đạt 21,3% mỗi năm.
Lốp xe có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các sản phẩm cao su sản xuất tại Việt Nam, chiếm khoảng 35,3% trong tổng giá trị xuất khẩu của các sản phẩm cao su. Trong đó, có thể kể đến hai tên tuổi lớn là Công ty CP Cao su Miền Nam (Casumina) và Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) với sản phẩm chủ lực xuất khẩu là lốp radial toàn thép.
Ông Phạm Hồng Phú, Tổng giám đốc Casumina cho biết, đầu năm 2015, Công ty cổ phần công nghiệp cao su Miền Nam (CASUMINA) đã chính thức ký kết hợp đồng độc quyền phân phối sản phẩm lốp bố thép, thương hiệu Casumina Radial sang thị trường Mỹ với Công ty US TIREX. Ngay sau lễ ký kết, hai bên đã ký một hợp đồng thương mại, theo đó 8 container lốp radial toàn thép đã được xuất sang Mỹ trong tháng 1.2015. Dự kiến tổng lượng lốp toàn thép Casumina radial xuất khẩu sang thị trường Mỹ đến cuối năm 2015 là 200.000 chiếc, tương đương 57 triệu USD.
Bên cạnh lốp cao su, sản phẩm xuất khẩu nhiều là linh kiện cao su thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô và nhiều ngành khác, chiếm khoảng 28,9%. Ngoài ra, những sản phẩm cao su có kim ngạch xuất khẩu khác như đế giày cao su (9,7%), găng tay cao su (7,5%), săm xe (5,8%),…
Bài toán tăng giá trị cho cao su thiên nhiên Việt Nam
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) nhận định, sản lượng cao su thiên nhiên thế giới vẫn ở tình trạng cung vượt cầu. Cao su nguyên liệu còn gặp nhiều khó khăn do giá sụt giảm mạnh với những biến động khó dự đoán liên quan đến giá dầu thô, bất ổn chính trị, tỷ giá… Bên cạnh đó, mức tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước để chế biến sản phẩm còn ít nên ngành cao su sẽ phải tiếp tục xuất khẩu nguyên liệu thô khoảng 70% tổng sản lượng cả nước trong nhiều năm tới.
Tuy đứng thứ ba thế giới về sản lượng cao su thiên nhiên, nhưng những sản phẩm cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô. Trong khi đó, các DN sản xuất sản phẩm cao su của Việt Nam vẫn phải nhập một lượng lớn cao su tổng hợp chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu sản xuất săm lốp xe, băng tải, sản phẩm cao su y tế, chỉ thun, ống cao su, tấm cao su… Các sản phẩm này cũng chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Do đó, các DN Việt Nam sản xuất những sản phẩm cao su này sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh hơn nữa từ phía Trung Quốc sau việc đồng Nhân dân tệ (NDT) bị phá giá.
Ông Thuận cho rằng, để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ việc Trung Quốc phá giá đồng NDT, các DN cao su cần đa dạng hóa thị trường, từng bước giảm phụ thuộc vào thị trường nước này, kết hợp với việc cắt giảm giá thành, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để tăng cường khả năng cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu. Hiện toàn ngành cao su đang phấn đấu sau năm 2020 chỉ xuất khẩu thô 50% sản lượng cao su. Số còn lại, sẽ được tinh chế rồi mới xuất khẩu để tăng giá trị cho cao su thiên nhiên Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều này, rất cần có tiếng nói chung và sự hợp tác giữa DN sản xuất và DN sử dụng cao su thiên nhiên, cũng như sự trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chia sẻ thông tin một cách thường xuyên giữa các DN trong ngành cao su.
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử