Chiếm trên 70% vốn FDI
Năm 2013, Việt Nam thu hút được 21,6 tỷ USD vốn FDI, trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo thu hút 16,636 tỷ USD, chiếm 76,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Năm 2014, Việt Nam thu hút được 21,9 tỷ USD vốn FDI, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút 15,5 tỷ USD, chiếm 70,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
8 tháng đầu năm 2015, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước đã thu hút được 1.219 dự án FDI đăng ký mới với tổng vốn 7,87 tỷ USD; 389 dự án đăng ký tăng vốn thêm 5,46 tỷ USD. Tính chung cả vốn đăng ký mới và tăng thêm, Việt Nam thu hút được 13,33 tỷ USD vốn FDI. Riêng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được 634 dự án FDI mới và 290 dự án tăng vốn, với tổng số vốn đăng ký 10,35 tỷ USD, chiếm 77,7% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm. Với kết quả này, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu trong tổng số 17 ngành, lĩnh vực thu hút FDI từ đầu năm đến nay.
Nhiều chuyên gia kinh tế và tổ chức quốc tế nhận định, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực nóng, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Cơ hội cho mục tiêu công nghiệp hóa
Đã từng có những ý kiến cho rằng, thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo quá nhiều sẽ biến Việt Nam trở thành công xưởng lắp ráp của thế giới. Bởi đây là lĩnh vực thu hút nhiều lao động, xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu cũng lớn, nên giá trị gia tăng không cao và không tạo sức lan tỏa đến những lĩnh vực, khu vực kinh tế khác.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- lại có một cái nhìn khác: Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều dự án FDI chẳng những không xấu mà ngược lại rất tốt cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Theo lý giải của ông Cung, công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều lao động, vì thế sẽ giải quyết được vấn đề công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời giúp lao động Việt Nam nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển mạnh sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn về công nghiệp hỗ trợ, là cơ hội cho Việt Nam thu hút thêm nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Tuy nhiên, để các dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thực sự mang lại hiệu quả cao, ông Cung cho rằng, Việt Nam cần “khắt khe” hơn trong việc lựa chọn dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực này. Cần nói không với những dự án có công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn lực; hướng đến thu hút những dự án lớn của những tập đoàn đa quốc gia, có tiềm lực tài chính mạnh, có công nghệ hiện đại, sử dụng ít lao động và mang lại giá trị gia tăng cao.
Tính đến hết tháng 8/2015, Việt Nam thu hút được 18.991 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 256,652 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 10.235 dự án, tổng vốn đăng ký 151,445 tỷ USD. |
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử