Do đó, Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP) đã tích cực phối hợp với các đơn vị xây dựng cơ chế chính sách phát triển CNĐP, khuyến công, cụm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo lập liên kết vùng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất, các làng nghề trong giai đoạn hiện nay.
Tích cực phối hợp, thúc đẩy phát triển công nghiệp địa phương
Đối với công tác chỉ đạo để tạo những bước đột phá trong phát triển công nghiệp-thương mại, Cục được giao nhiệm vụ thẩm định, tham gia ý kiến trình Bộ thoả thuận để các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của các địa phương trên cả nước. Theo đó, Cục đã kịp thời tham mưu giúp Bộ hướng dẫn, phối hợp, giúp đỡ và góp ý cho các tỉnh, thành phố rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; tham gia ý kiến với các Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương về lĩnh vực công nghiệp và thương mại cho việc xây dựng và quản lý thực hiện quy hoạch ngành, vùng và lãnh thổ; tham gia thẩm định, đóng góp ý kiến cho các đề án quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực cho các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế; đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù liên quan đến lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Riêng về lĩnh vực công nghiệp, đến nay các tỉnh, thành phố đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp cho giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố là hội nghị thường niên của Bộ Công Thương tổ chức theo khu vực, nhằm kiểm điểm, đánh giá những kết quả đạt được trong từng giai đoạn phát triển và đề ra những định hướng, giải pháp cho những năm tiếp theo trong lĩnh vực Công Thương. Giai đoạn 2011- 2013, Cục đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố (Hải Dương, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Tây Ninh, Bắc Kạn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nam, Lai Châu, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, An Giang, Hà Nội, Hòa Bình, Kon Tum) tổ chức thành công Hội nghị ngành công thương các vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Hội nghị ngành công thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố tháo gỡ khó khăn, bàn giải pháp liên kết vùng, tập trung cao nhất cho sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất khẩu. Từ năm 2014 đến nay, Cục đã phối hợp với các Sở Công Thương (Bình Thuận, Khánh Hòa, Lào Cai) tổ chức thành công Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam lần thứ I - năm 2014; Hội nghị ngành công thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tại thành phố Đà Nẵng; sắp tới Cục sẽ phối hợp với các Sở Công Thương tổ chức Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam lần thứ II - năm 2015 tại Nam Định, Bình Định, Cần Thơ.
Công tác phối hợp với các địa phương để triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch của Bộ liên quan đến việc triển khai hoặc hỗ trợ giúp đỡ các địa phương trong phát triển công thương... Cục đã xây dựng chương trình làm việc phục vụ Lãnh đạo Bộ làm việc với Lãnh đạo các địa phương trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phát triển công thương ở các địa phương trong phạm vi cả nước; dự thảo văn bản của Bộ Công Thương gửi Văn phòng Chính phủ trả lời kiến nghị của 27 địa phương: Lai Châu, Bắc Ninh, Phú Thọ, Long An, Khánh Hòa, Bình Phước, Bình Dương, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Tiền Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Bình…; báo cáo và trả lời kiến nghị phục vụ Lãnh đạo Bộ làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum, Bình Thuận, Kiên Giang, Hà Giang...
Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 17/8/2012 của Bộ Công Thương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Cục CNĐP chủ trì, phối hợp với các Sở Công Thương tỉnh Yên Bái, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đăk Lăk, Quảng Ninh, Tiền Giang và thành phố Đà Nẵng tổ chức các Hội nghị Giám đốc các Sở Công Thương với chủ đề “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp công nghiệp, thương mại trong vùng”. Thông qua các Hội nghị trên, các Sở Công Thương đều đánh giá cao về việc quan tâm, tác dụng thiết thực trong việc tập trung giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cục đã phối hợp với Vụ Thị trường trong nước tổ chức Hội nghị chắp nối cung cầu hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất hàng công nghiệp nông thôn với các kênh phân phối hàng hóa nội địa truyền thống và hiện đại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam.
Đối với công tác giúp Bộ trong các Ban chỉ đạo phát triển vùng kinh tế trọng điểm, các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Cục đã trình Lãnh đạo Bộ tham gia ý kiến đối với: Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị; giúp Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ chủ trì tổng hợp, xây dựng báo cáo về các nội dung thuộc Bộ Công Thương liên quan đến việc thực hiện đánh giá tình hình thực hiện các Nghị quyết, Nghị định, Thông tư, Chỉ thị của Trung ương; các báo cáo giúp Lãnh đạo Bộ tham gia các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, 4 Vùng Kinh tế trọng điểm.
Công tác theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Cục được giao chủ trì và phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thông báo kết luận của Lãnh đạo Bộ tại các buổi làm việc với các tỉnh, thành phố. Theo đó, tổng số Thông báo kết luận của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước liên quan đến ngành công thương tại các buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương giai đoạn 2011-2014 là 141 Thông báo, đã giao 828 nhiệm vụ cho các đơn vị, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các địa phương và tăng cường vai trò của Bộ Công Thương đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, đặc biệt là các địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Công tác triển khai Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị Quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, Cục đã xây dựng 176 báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình phát triển công thương của 63 địa phương để phục vụ các chuyến thăm, làm việc tại địa phương của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương; Phối hợp với Vụ Kế hoạch hướng dẫn các địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch, báo cáo thống kê về CNĐP.
Hướng tới phát triển cân đối, hài hòa giữa các vùng và địa phương
Thực hiện chủ trương về phát triển công thương địa phương giai đoạn tới là: Khuyến khích xã hội hóa hoạt động phát triển công nghiệp, động viên và huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất CN-TTCN; Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất CN- TTCN một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn, tăng kim ngạch xuất khẩu hàng tiểu thủ công nghiệp, tăng mạnh công nghiệp chế biến các sản phẩm nông - lâm - thủy sản; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa; Hoàn thiện quy trình quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công, đẩy mạnh hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp trên toàn quốc; Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao hợp tác quốc tế về khuyến công...
Trong thời gian tới, Cục CNĐP xác định sẽ có những thời cơ, thuận lợi mới cần tranh thủ để tập trung cho phát triển CNĐP. Do vậy, Cục sẽ xây dựng kế hoạch phát triển theo định hướng: Phát triển mạnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo nền tảng cho một nước công nghiệp; Tăng trưởng công nghiệp chủ yếu dựa vào phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, trong đó tập trung vào gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa của sản phẩm; Tập trung phát triển CNHT, đặc biệt là các nhóm sản phẩm cơ khí, nhựa- cao su, điện tử có khả năng tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu và cung ứng cho các ngành: sản xuất phương tiện vận tải, điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp công nghệ cao; Chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn và quốc phòng, an ninh; công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Từng bước phát triển công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp công nghệ sinh học và công nghiệp môi trường; Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động một cách phù hợp; Đẩy mạnh phát triển liên kết công nghiệp, hình thành các tổ hợp công nghiệp với quy mô và liên kết hiệu quả, góp phần điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý, bảo đảm phát triển cân đối và hài hòa giữa các vùng và địa phương.
Theo Mai Hương (Cục CNĐP)