Là Bộ trưởng đầu tiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, chiều nay, 17/11, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời 4 nhóm vấn đề, đó là phát triển CNHT, phát triển công nghiệp chế tạo trong nước, giải pháp quản lý thị trường và sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào hệ thống bán lẻ trong nước.
Trước câu hỏi của đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) về việc đến nay thiết bị cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, phải chăng nguyên nhân quan trọng nhất là sự thiếu tập trung cho CNHT, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận CNHT thời gian qua có nhiều vấn đề.
Bộ trưởng Hoàng cho biết, từ năm 2007 chúng ta đã có Quy hoạch CNHT. Năm 2011 ban hành Quyết định số 12 về một số chính sách khuyến khích phát triển CNHT. Tiếp theo, Chính phủ ban hành chính sách đối với 6 nhóm hàng hoá liên quan đến lĩnh vực cơ khí chế tạo ô tô, điện tử, dệt may, da giầy và hàng nhựa. Gần đây, Bộ Công Thương cũng ban hành Quy hoạch phát triển CNHT.
Tuy nhiên, do cấp độ pháp lý của những chính sách này còn thấp, chưa đạt yêu cầu, chưa có nghị định, do vậy chưa tạo thuận lợi cho phát triển CNHT.
Bộ trưởng Hoàng cho biết, CNHT muốn phát triển phải phụ thuộc vào quy mô phát triển sản xuất. Tức là quy mô sản xuất phải lớn đủ để sản xuất với số lượng nhiều, qua đó, giá thành sẽ cạnh tranh hơn và tổ chức sản xuất có lợi hơn. Nhưng trên thực tế thì dung lượng thị trường của ta chưa đủ.
Ví dụ lĩnh vực ô tô, 1 năm hiện nay các cơ sở trong nước lắp ráp trên dưới 70 nghìn xe với nhiều chủng loại khác nhau của hơn 10 nhà lắp ráp, nên khó có doanh nghiệp CNHT nào đứng ra cung cấp đủ phụ tùng cho hơn 10 nhà lắp ráp này.
Về con người, CNHT thâm dụng lao động, thậm chí đòi hỏi những nghệ nhân. Hiện nay, Việt Nam đang thiếu đội ngũ này, vì thế thời gian tới Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ có biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo cho CNHT.
Tuy CNHT nói chung vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng theo Bộ trưởng Công Thương, trong từng lĩnh vực cụ thể thì vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Chẳng hạn trong ngành ô tô, mà cụ thể là lĩnh vực ô tô chở khách, chúng ta đã đạt tỷ lệ nội địa hoá 40%. Điển hình là Xí nghiệp ô tô Trường Hải, tỷ lệ nội địa hoá với xe tải nông dụng xe chuyên dụng 70%. Tuy nhiên, nội địa hoá ô tô con thì mới chỉ đạt 10%. Đây chính là chỗ chưa thành công của chiến lược ô tô.
Trong lĩnh vực xe máy, chúng ta đã đạt tỷ lệ nội địa hoá linh kiện trên 90%, kể cả động cơ. CNHT của ngành xe máy phát triển đến mức đẩy được xe máy ngoại ra khỏi biên giới và đến nay Việt Nam đã xuất khẩu đạt 280 triệu USD mỗi năm.
Về điện tử gia dụng, 30-35% thiết bị cũng đã nội địa hoá, bao gồm điều hoà tủ lạnh máy giặt.
Với ngành cơ khí,Việt Nam cũng đã có thể sản xuất thiết bị đồng bộ xi măng lò quay, sản xuất được máy biến thế 500Kv. Ngành Dầu khí đã tự thiết kế chế tạo dàn khoan 90m nước với tỷ lệ nội địa hoá đạt 30%. Ngoài ra, chế tạo thiết bị đồng bộ trong chế biến nông sản, chè, cà phê.
Đánh giá việc phát triển CNHT là khâu quan trong để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ trưởng Hoàng kỳ vọng, ngay trong kỳ họp này, Quốc hội có thể ban hành một Nghị quyết, nêu rõ vấn đề phát triển CNHT. Đó là cơ sở quan trọng để Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ triển khai trong thời gian tới.
Cùng với đó, Bộ cũng đã trình Chính phủ để ban hành Nghị định về phát triển CNHT, trong đó sẽ tăng cường hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra cũng sẽ thành lập một số trung tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp CNHT hoạt động phi lợi nhuận để hỗ trợ miễn phí khi các doanh nghiệp CNHT có nhu cầu kiểm tra chất lượng sản phẩm, tạo mẫu mới,…
Bên cạnh đó Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp CNHT trong tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường, đào tạo cán bộ quản lý và vận hành.
Sáng mai, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ tiếp tục phiên trả lời chất vấn của mình.
Linh Đan
Chinhphu.vn