Tỷ lệ nội địa hóa thấp
Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Bộ Công Thương cho biết, hiện Việt Nam có nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ôtô quy mô lớn với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới thị trường khu vực. Đơn cử như: Tổ hợp sản xuất ôtô VinFast tại Hải Phòng (thuộc Tập đoàn Vingroup); các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô du lịch thương hiệu Mazda, ôtô tải, ôtô bus của Công ty CP ôtô Trường Hải (Thaco); các dự án mở rộng sản xuất ôtô du lịch và ôtô thương mại thương hiệu Hyundai của Công ty CP Tập đoàn Thành Công...
Số liệu thống kê cho thấy, tương quan về sản lượng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe NK trong trung và ngắn hạn thay đổi theo hướng tăng về số lượng xe sản xuất, lắp ráp. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, do lượng ôtô NK ngày càng tăng nên lợi thế này đang mất dần. Cụ thể, năm 2019 xe nhập về Việt Nam đã tăng 70% so với 2018, chủ yếu từ các nước trong khu vực ASEAN.
Bộ Công Thương lý giải, hạn chế của ngành sản xuất ôtô nội địa là chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động. Với các sản phẩm đã được nội địa hóa thì mang hàm lượng công nghệ thấp như: Săm, lốp ôtô, ghế ngồi, gương, khung vỏ, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa...
“Tỷ lệ nội địa hóa với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi hiện nay cũng thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Đến nay, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ôtô toàn cầu”- báo cáo chỉ rõ.
Ngoài ra còn do các nguyên nhân chủ quan như trình độ doanh nghiệp (DN) cũng như nguồn nhân lực của ngành còn thấp; công tác nghiên cứu, phát triển chưa được các DN quan tâm; công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chưa phát triển, dẫn đến chưa tự chủ được các vật liệu cơ bản cũng như các linh, phụ kiện đầu vào cho ngành…
Chính sách cần linh hoạt
Để phát triển ngành ôtô trong nước cũng như nâng tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm thống nhất phương án sửa đổi quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ôtô, trong đó giảm thuế TTĐB cho phần giá trị sản xuất được trong nước. Việc này sẽ khắc phục bất lợi về giá giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và NK, cũng như khuyến khích tăng tỷ lệ giá trị nội địa, phát triển CNHT ngành sản xuất ôtô.
Bộ Công Thương cũng đưa ra Dự thảo Nghị quyết các giải pháp thúc đẩy CNHT Việt Nam đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến đưa ra nhiều đề xuất theo hướng giảm thuế với động cơ, hộp số về 0% đến năm 2025, mức tương đương cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho rằng, động cơ và hộp số ôtô là các linh kiện rất phức tạp để có thể sản xuất và lắp ráp. Trong vòng 3-5 năm tới, với trình độ kỹ thuật hiện tại cũng như dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, sẽ rất khó có DN nào đầu tư dây chuyền sản xuất động cơ và hộp số để phục vụ lắp ráp ở Việt Nam.
Chính vì vậy, việc ưu đãi giảm thuế suất thuế NK đối với động cơ và hộp số tương đương các cam kết trong ATIGA sẽ hỗ trợ DN trong việc duy trì hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam. Đây cũng là các linh kiện có tỷ lệ giá trị cao trong cấu thành giá trị của ôtô nguyên chiếc, nên việc giảm thuế suất thuế NK đối với các linh kiện này cũng góp phần giúp các DN tiết kiệm chi phí, hạ giá thành cho sản phẩm. Quan trọng hơn tạo sự cạnh tranh bình đẳng với xe NK từ ASEAN.
Nghị quyết số 23/NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 xác định, công nghiệp ôtô là một trong những ngành được ưu tiên phát triển. |
Theo Congthuong.vn