Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,10%; Sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 7,15%. Các sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ, bao gồm điện sản xuất 23,2 tỷ kwh, tăng 7%; Xi măng 3,2 triệu tấn, tăng 0,2%; Sợi các loại 183.043 tấn, tăng 11,4%; Bột mỳ 290,9 nghìn tấn, tăng 17%; Clinker 3,1 triệu tấn, tăng 2,5%…
Một số ngành công nghiệp giảm, trong đó công nghiệp khai khoáng giảm 0,42% và vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, lượng than tồn lớn (trên 11 triệu tấn), do đó việc sản xuất phải cầm chừng đang diễn ra tại nhiều đơn vị ngành Than trên địa bàn Quảng Ninh. Các sản phẩm công nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh giảm so với cùng kỳ, đó là than 30 triệu tấn, giảm 0,5%; Dầu thực vật 199,8 nghìn tấn, giảm 0,46%...
Trao đổi với pv Báo Công Thương, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh- Nguyễn Mạnh Hà- cho biết, tuy ngành công nghiệp tăng trưởng hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Lý do vì 2 ngành là nhiệt điện và than chiếm tỷ trọng lớn, nhưng vừa qua, các nhà máy nhiệt điện huy động chạy không nhiều. Còn ngành than chiếm tỷ trọng lớn nhất ngành công nghiệp trên địa bàn, lại tăng trưởng âm, nên chỉ số công nghiệp toàn ngành của Quảng Ninh tăng trưởng thấp.
Đánh giá về khả năng tăng trưởng các ngành công nghiệp 2 tháng còn lại cuối năm, Giám đốc Nguyễn Mạnh Hà cho hay, sẽ tăng trưởng được 5%. Chỉ tiêu này có cơ sở, vì các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang đà tăng tốc, nhiều khả năng tăng trưởng cao hơn trong tháng 11 và 12. Các ngành công nghiệp xi măng, sản xuất vật liệu cũng tăng hơn vào 2 tháng cuối năm. Đối với ngành điện, các nhà máy nhiệt điện hy vọng cũng sẽ được huy động phát điện nhiều hơn.
“Khó nhất chỉ còn ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất kinh doanh than. Do đó, 2 tháng cuối năm, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục cùng với ngành than tập trung tháo gỡ bằng được các khó khăn, nhất là khâu tiêu thụ, để công nghiệp Quảng Ninh đạt mục tiêu tăng trưởng 4- 5% như đặt ra”- Giám đốc Nguyễn Mạnh Hà khẳng định.
Nguồn Báo Công Thương