Thứ Bẩy, 23/11/2024 15:11:26 GMT+7
Lượt xem: 6339

Tin đăng lúc 27-01-2015

Công nghiệp TP.HCM: Tập trung phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh

TP.HCM sẽ tập trung phát triển những ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh trên cơ sở khai thác một cách hiệu quả nguồn nhân lực trình độ cao; phát triển công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, năng suất lao động cao, giá trị gia tăng lớn, công nghiệp công nghệ cao…
Công nghiệp TP.HCM: Tập trung phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh

TP HCM tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh.

 

Trong năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7%, cơ cấu ngành công nghiệp của TP.HCM tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng. Bốn ngành công nghiệp trọng yếu gồm cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất- cao su- nhựa và chế biến tinh lương thực, thực phẩm tăng 8,3% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành (7%).

 

Các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm sử dụng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu đã thay thế cho DN hiện hữu thâm dụng lao động, sử dụng công nghệ lạc hậu trong các khu chế xuất và công nghiệp (KCX- KCN). Trong đó, tại KCX Linh Trung đã chuyển đổi 7 dự án cũ thuộc các ngành trang trí nội thất, gia dụng, may mặc với tổng vốn đầu tư đăng ký là 34,5 triệu USD thành 7 dự án mới thuộc các ngành cơ khí, điện tử với tổng vốn đầu tư đăng ký là 187,5 triệu USD, tăng 5,4 lần về vốn so với trước khi chuyển đổi. Tại KCN Tân Tạo, 12 dự án cũ với vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD cũng được chuyển đổi thành 14 dự án mới thuộc các ngành cơ khí, hóa nhựa, điện tử với tổng vốn đầu tư trên 60 triệu USD.

 

Bên cạnh, sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng yếu, hai ngành truyền thống là dệt may và da giày cũng đạt tỷ lệ tương ứng là 15% (dệt may) và 7,7% (da giày); hai ngành chiếm 18% giá trị toàn ngành công nghiệp. Để thực hiện quy hoạch phát triển 2 ngành công nghiệp này thời gian qua TP HCM đã di dời các công đoạn, khâu sản xuất sử dụng nhiều lao động giản đơn… các KCN chuyên ngành tập trung của TP HCM và các tỉnh thành phụ cận

 

Năm 2015, TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Khuyến khích các DN tận dụng nguồn lực, công nghệ, vật tư, thiết bị máy móc sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn, giảm dần nhập khẩu; xây dựng cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các DN trong nước; các cơ chế chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, tài chính và triển khai các giải pháp hỗ trợ DN trong nước đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng… đảm bảo yêu cầu cung ứng của các nhà đầu tư công nghệ cao; tăng cường công tác tiếp xúc, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN.

 

Ngoài ra, TP HCM tiếp tục phát triển ngành CNTT thông qua việc tập trung triển khai đồng bộ các dự án, chương trình nhánh thuộc Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch; thúc đẩy và tìm kiếm thị trường cho sản phẩm điện tử dùng chíp do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất; tập trung xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung 2, liên kết với các địa phương xây dựng chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung; xây dựng thương hiệu sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin; hoàn thành quy hoạch ngành công nghệ thông tin…

 

Để tạo điều kiện cho cho DN đầu tư sản xuất kinh doanh, TP HCM sẽ điều chỉnh quy hoạch các KCX- KCN và cụm công nghiệp phát triển theo hướng xanh, đổi mới trang thiết bị, tăng năng lực cạnh tranh; tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao giai đoạn 1 và chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2 để thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao vốn là thế mạnh đi đầu cả nước.

 

                                                                                    Nguồn: Báo Công Thương điện tử


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang