Đặc biệt, trong những đợt nắng nóng kéo dài hay đại dịch Covid-19 phức tạp vừa qua, khi hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến, mọi “búa rìu” dư luận lại đổ lên đầu người thợ điện. Nào là thợ điện làm ăn tắc trách; Nào là thợ điện, ngành Điện chỉ muốn tăng giá hay trục lợi hóa đơn; Nào là thợ điện, ngành Điện đo công tơ thiếu trách nhiệm, phục vụ cửa quyền;… Nói chung, chẳng khác nào “trăm dâu đổ đầu tằm”.
Công tâm mà nói, mọi nghề có yếu tố dịch vụ nào cũng vậy, đều như người “làm dâu trăm họ”. Công nhân ngành Điện cũng không nằm ngoài điều đó. Chỗ tốt, chỗ hay, người ta không mấy khi đề cao, coi trọng. Nhưng những thiếu sót, sai lệch, sự cố nào đó, dù nhỏ, cũng rất dễ bị quy chụp, đánh giá, bình phẩm thái quá chẳng khác nào tờ giấy trắng, nếu bị vấy bẩn, người ta chỉ để ý đến vết mực đen trên đó. Những vụ việc về hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến đây đó vừa qua có thể là những ví dụ. Bởi vậy, thiết nghĩ, nghề có yếu tố dịch vụ nào cũng vậy, nếu thiếu mất sự bản lĩnh, ngay thẳng và đặc biệt là tình yêu, niềm say mê trong công việc thì rất khó có thể đứng vững, khó có thể vượt qua những khó khăn, trắc trở hay rủi ro đặc thù mà nghề nào cũng nếm trải.
Gian nan đưa điện về vùng sâu
Còn nhớ, những chuyến công tác vùng cao, vùng sâu, vùng xa hay vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm kéo dài, rồi những vụ cháy rừng, lũ quét, giông bão vừa qua, chúng tôi không khỏi cảm thông với những nỗi vất vả, gian nan của anh chị em công nhân ngành Điện.
Tại Bắc Kạn – một công nhân Đội quản lý đường dây và trạm Điện lực Thành phố từng chia sẻ: “Trong số những ngành nghề gian khó, thì nghề điện của chúng tôi vừa vất vả vừa nguy hiểm, nhất là những lúc xảy ra sự cố vào thời điểm nắng nóng. Thời điểm này, các thiết bị trên lưới bị hỏng hóc nên anh em chúng tôi luôn đầu tắt mặt tối, dù giữa trưa nắng nóng cháy thịt, cháy da, hay đêm tối khuya khoắt. Thậm chí, cả những lúc tan ca, hễ có sự cố mất điện cục bộ, khách hàng gọi “đường dây nóng” là anh em chúng tôi lập tức đến ngay. Đặc biệt, với những địa bàn trọng điểm như khu vực đông dân cư thì cần phải xử lý nhanh, kịp thời và đảm bảo không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân”.
Tranh thủ
Không chỉ có vậy, vào những ngày nghỉ thứ Bẩy, Chủ Nhật, dù thời tiết mưa bão, nắng gắt, giông lốc nhưng thợ điện vẫn phải túc trực, làm việc bình thường. Ngày lễ, Tết hay ngày nghỉ, anh chị em luôn phải tuân thủ chế độ ca kíp, không có khái niệm thảnh thơi cuối tuần, trừ khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn,… được nghỉ theo nội quy và luật định.
Là nữ giới, nhưng đã chót yêu ngành Điện, chị Hoa, một công nhân Điện lực Yên Bái cũng không dấu nổi những nỗi niềm buồn vui nghề nghiệp khi được hỏi và trải lòng với chúng tôi: “Nhiều lúc thiếu người, kể cả việc leo trèo hay trực sự cố giông bão, lũ quét… chị em chúng tôi cũng phải làm hết. Trong mùa hè oi bức, anh chị em thường xuyên phải chuyển đổi, dồn pha, nâng máy biến áp để đảm bảo nhu cầu đột biến do nắng nóng kéo dài. Những lúc như vậy, công việc đa phần là đột xuất, không nằm trong kế hoạch nên rất vất vả. Nghề nào nghiệp đó, yêu nghề thì gắn bó thôi, không hối hận. Có lẽ cũng là duyên nghiệp của mỗi người...”.
Sửa chữa lưới điện trung áp khi có sự cố
Có thể nói, ở vùng nào cũng vậy, đồng bằng có nỗi khổ của đồng bằng, miền núi hay vùng cao có nỗi gian truân của vùng cao, đặc biệt ở những địa bàn hiểm trở như rừng rậm, vực sâu,… công nhân điện lực còn đối mặt với không ít rủi ro rình rập, nguy hiểm. Các huyện vùng cao, phần lớn giao thông không thuận lợi, đường hẹp, đèo, dốc. Vì thế, vào lúc thời tiết mưa gió thì đường sá lầy lội, khiến cho việc vận chuyển vật tư, thiết bị để khắc phục, xử lý sự cố lưới điện nơi đây vô cùng khó khăn, nhọc nhằn. Đặc biệt, ở những nơi khí hậu khắc nghiệt như miền Trung, người thợ điện còn phải phơi mình trên cao dưới cái nắng nóng như đổ lửa, phải lặn lội nơi rừng đèo heo hút, lội suối hàng chục cây số để thu tiền điện, ghi chỉ số công tơ, hoặc bám trụ trực điện nơi đầu sóng ngọn gió ngoài hải đảo…
Khó khăn là vậy, nhưng những người thợ điện chân chính, yêu ngành yêu nghề luôn coi đó là những đặc thù của mỗi công việc. Với họ, thắp sáng ánh điện nơi biên cương, duy trì dòng điện trong sinh hoạt, sản xuất,… là sứ mệnh rất đỗi tự hào. Bởi vậy, mỗi chúng ta, cần có cái nhìn thiện tâm, để ứng xử, cảm thông với họ, động viên chia sẻ cũng là động lực để người thợ điện vượt qua gian nan, nhọc nhằn, mang nguồn sáng tới mọi gia đình, tới từng địa phương và quan trọng hơn, nguồn sáng ấy sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước ngày càng phồn vinh.
Đăng Hưng