“Tháng hành động vì ATTP” năm 2018 được TP. Hà Nội và các cấp cơ sở (quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn) triển khai từ ngày 15/4 - 15/5/2018. Trong Tháng hành động, thành phố đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội, phương tiện truyền thông tăng cường phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về ATTP; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, điều kiện và kiến thức khoa học về ATTP, tác hại của thực phẩm không an toàn cho người dân. Đồng thời, giám sát, hướng dẫn các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tuyên truyền, vận động nhân dân tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thực phẩm không an toàn đến các cơ quan chức năng; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn…
Kết quả triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2018 của TP. Hà Nội cho thấy, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra ATTP được các cấp, ngành thực hiện rất quyết liệt. Đã có 700 đoàn thanh tra, kiểm tra; trong đó, thành phố tổ chức 14 đoàn; quận, huyện, thị xã 84 đoàn; xã, phường, thị trấn 602 đoàn. Kết quả, đã kiểm tra 18.218 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; trong đó, 14.808 cơ sở đạt, chiếm tỷ lệ 81,3%; số cơ sở vi phạm là 3.410 (1.150 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính gần 5,9 tỷ đồng). Các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng lấy mẫu nông - lâm - thủy sản, nước uống đóng chai… để xét nghiệm ATTP.
Với việc triển khai quyết liệt, bài bản, đồng bộ các hoạt động về ATTP, công tác ATTP trên địa bàn Hà Nội đã có chuyển biến tích cực. Tính riêng trong năm 2017, Hà Nội đã đẩy mạnh quản lý ATTP tại các chợ đầu mối; đồng thời phát triển mô hình quản lý thực thẩm theo chuỗi thông qua các chương trình, đề án. Đáng chú ý, Hà Nội đã tích cực kết nối, đưa sản phẩm nông sản, rau an toàn của các huyện vào tiêu thụ tại kênh phân phối của doanh nghiệp; kết nối với các vùng sản xuất rau, củ, nông sản.
Qua kết quả từ thực tế, Ban Chỉ đạo ATTP TP. Hà Nội khuyến cáo các địa phương cần tăng cường công tác quản lý ATTP, xây dựng điểm giết mổ tập trung; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trong nội thành để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm… Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng như lực lượng hải quan, công an, quản lý thị trường... tăng cường kiểm tra và ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục vào nội địa; nhập lậu hoặc tạm nhập nhưng không tái xuất sản phẩm động vật không bảo đảm an toàn đưa vào tiêu thụ trên thị trường Hà Nội.
Hà Nội hiện có 48 chuỗi tiêu thụ rau an toàn theo liên kết dọc; 100% số chuỗi được từ 2 - 4 đơn vị thực hiện; có 9/48 chuỗi tự tổ chức sản xuất rau, tiêu thụ, không thu gom, 23/48 chuỗi sản xuất, thu gom và 16/48 chuỗi chỉ thu gom, không sản xuất rau. |
Theo báo Công Thương