Thứ Hai, 25/11/2024 09:22:21 GMT+7
Lượt xem: 4842

Tin đăng lúc 14-07-2016

Công Thương Bắc Kạn: Vững tiến vươn xa trên con đường hội nhập kinh tế

Để góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, ngành Công Thương Bắc Kạn đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là phát triển công thương theo hướng hiện đại, bền vững, phấn đấu đến năm 2020 công nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH – HĐH, phù hợp với định hướng phát triển của một tỉnh miền núi phía Bắc.
Công Thương Bắc Kạn: Vững tiến vươn xa trên con đường hội nhập kinh tế
Dây chuyền sản xuất bột đá silic của TCT CP khoáng sản Na Rì

Giai đoạn 2011-2015, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của nước ta. Điều này đặt ra cho nền kinh tế tỉnh Bắc Kạn nói chung và ngành Công Thương nói riêng những thời cơ và thách thức lớn. Mặc dù, nền kinh tế của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, song vẫn phải đối đầu với nhiều khó khăn để vừa phải bảo đảm phát triển bền vững, đồng thời phải nhanh chóng rút ngắn khoảng cách, bắt kịp với trình độ phát triển chung của cả nước.

 

Để đáp ứng được mục tiêu đã đề ra, lãnh đạo Sở Công Thương đã chỉ đạo toàn ngành tập trung đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, phát triển một số ngành công nghiệp phụ trợ, cải tiến công nghệ, chú trọng xuất khẩu và mở rộng thị trường... cùng với đó là sự phấn đấu không ngừng của tập thể CBVC-NLĐ ngành Công Thương tỉnh, nên hoạt động công thương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

 

Trong giai đoạn 2011-2015, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng trưởng bình quân 7,25%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 311,725 tỷ đồng, tăng bình quân 11,85%/năm. Tình hình giá cả thị trường tương đối ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tổng số hộ sử dụng điện lưới Quốc gia tính đến hết năm 2015 đạt tỷ lệ 95,18%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ X nhiệm kỳ 2011-2015. Một số sản phẩm có giá trị tăng cao, tiêu thụ tốt trên thị trường như: Ván ghép thanh, chi tiết đồ mộc, sản phẩm miến dong, đũa gỗ, chì kim loại…, đã bước đầu hình thành làng nghề tiểu thủ công nghiệp chế biến nông, lâm sản như: sản xuất miến dong, chế biến chè, sản xuất rượu…

 

 

Một công đoạn trong dây chuyền chế biến gỗ tại Nhà máy ván ghép thanh của c. ty CP Sahabak, KCN Thanh Bình, huyện Chợ Mới

 

 

Cùng với đó, công tác khuyến công cũng đã góp phần không nhỏ vào thành quả chung của ngành. Trong 5 năm qua, đã có 119 đề án khuyến công được triển khai, trong đó 19 đề án khuyến công quốc gia, 98 đề án khuyến công địa phương, 02 đề án khuyến công liên kết với Sở Công Thương Hà Nội, với tổng kinh phí thực hiện là 6,2 tỷ đồng. Các đề án khuyến công tập trung vào các chương trình đào tạo nghề; xây dựng các mô trình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; hỗ trợ công tác lập quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp, hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm trong khu vực; hỗ trợ đào tạo, tập huấn kiến thức khởi sự doanh nghiệp;… Thông qua việc thực hiện các đề án khuyến công, kịp thời động viên khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn... mạnh dạn tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, góp phần tạo ra năng lực sản xuất mới, trình độ cán bộ quản lý được nâng cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

 

Bước sang giai đoạn 2016-2020, mục tiêu trọng tâm của tỉnh là phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân đạt 11%/năm; Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ lệ 20%;  Trên 98% hộ dân được sử dựng điện lưới Quốc gia; Tập trung xây dựng một số làng nghề cho một số địa phương có sản phẩm được thị trường chấp nhận, nhằm giữ thương hiệu và mở rộng phát triển sản xuất...

 

Với quan điểm là tập trung đầu tư có tính đột phá, nhằm phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng lợi thế một cách nhanh, bền vững và có tính khả thi cao, tỉnh chú trọng khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu phục vụ cho phát triển công nghiệp, tăng dần công nghiệp chế biến đặc biệt là chế biến gỗ, nông sản, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp phục vụ du lịch; Phát triển công nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái; Nâng dần tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tin tưởng rằng, ngành Công Thương Bắc Kạn sẽ hoàn thành tốt mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra, vững bước tiến lên, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng./.

 

Hà Trang

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang