Chủ Nhật, 24/11/2024 11:18:24 GMT+7
Lượt xem: 4524

Tin đăng lúc 10-05-2015

Công Thương Bình Định - Triển vọng phát triển

Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, là một trong 5 tỉnh thuộc Vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, có điều kiện và lợi thế để phát triển Công - Thương.
Công Thương Bình Định - Triển vọng phát triển
Ông Nguyễn Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định (Thứ 3 từ phải sang)

Có các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 19 xuyên suốt tạo thành hành lang Bắc - Nam và Đông - Tây; nối liền các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan, có sân bay Phù Cát đi thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, có bờ biển dài 134 km và nhiều đầm, hồ thuận lợi cho nuôi trồng thủy, hải sản và phát triển du lịch, hệ thống cảng biển kín gió, cảng Quy Nhơn rất thuận lợi cho các loại tàu có tải trọng từ 3 - 5 vạn tấn ra vào neo đậu dễ dàng… Bình Định còn có 02 trường đại học đa ngành, cùng nhiều trường cao đẳng, trung cấp và công nhân kỹ thuật, hàng năm đào tạo nguồn nhân lực trong tỉnh và các tỉnh lân cận, có đội ngũ công nhân lao động trẻ năng động, sáng tạo; có nguồn tài nguyên khoáng sản đá granite nhiều màu, titan, cao lanh, đất sét, bauxit… nguyên liệu nông, lâm, hải sản dồi dào… là điều kiện cho Công - Thương phát triển.

 

Khai thác lợi thế của tỉnh, phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài và vận dụng đường lối của Đảng, sau 40 năm xây dựng và trưởng thành, Công - Thương Bình Định đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình tổ chức sản xuất hàng hóa, phân phối phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động trên địa bàn tạo nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh, tạo kim ngạch xuất khẩu chiếm trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

 

Trong 15 năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục tăng trưởng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001 - 2005 là 13,1%/năm, giai đoạn 2006 - 2010 là 16%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 là 9,7%/năm, nâng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu GRDP của tỉnh từ 22,6% (năm 2000) lên 30,4% (năm 2015). Điều đáng khích lệ là năm 1999, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh lần đầu tiên vượt “mốc” 1.000 tỷ đồng thì đến năm 2015 “cái mốc” ấy đã đến con số trên 11.000 tỷ đồng; dự kiến đến năm 2020 là 25.000 tỷ đồng, kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 16%/năm.

 

Gian hàng của Bình Định

 

Số lượng cơ sở sản xuất CN-TTCN tăng khá, tăng trên 8.000 cơ sở so với năm 2000, tính đến nay số lượng cơ sở sản xuất CN-TTCN trên 22.000 cơ sở; lao động trong ngành khoảng 120.000 người. Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, nhờ đó mà các sản phẩm công nghiệp của Bình Định đã nâng cao sức cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu như gỗ tinh chế, dược phẩm, thủy hải sản, khoáng sản, đá granite…

 

Thương hiệu các ngành hàng chủ lực của tỉnh hiện đã và đang khẳng định được vị thế tại thị trường trong và ngoài nước năng lực sản xuất và tiêu thụ ổn định hàng năm như 16.000 tấn hải sản đông lạnh các loại, 250.000 m3 gỗ tinh chế, 1 triệu tấn dăm gỗ, 40.000 tấn đường RS, 50 triệu lít bia, 20 triệu lít sữa, 20 triệu lít dung dịch truyền, 5 triệu sản phẩm giày dép, 15 triệu sản phẩm may mặc, 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi, 500 triệu viên gạch ngói, 1,5 triệu m3 đá xây dựng các loại, 1 triệu m2 đá ốp lát, 400.000 tấn ilmenite…

 

Để tạo điều kiện cho phát triển CN-TTCN trong thời gian tới, Bình Định đã quy hoạch 6 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 1.714 ha và 62 cụm công nghiệp (CCN) ở 11 huyện, thành phố với tổng diện tích 1.920 ha. Đến nay, đã có 207 DN đăng ký đầu tư vào các KCN, hơn 730 DN, cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ đầu tư sản xuất trong các CCN.

 

Bên cạnh đó, tỉnh đã lập các quy hoạch định hướng phát triển ngành như: Quy hoạch phát triển điện lực, Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, Quy hoạch phát triển công nghiệp khoáng sản, Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2030…

 

Đặc biệt, với sự hình thành khu kinh tế Nhơn Hội (bao gồm KCN, khu đô thị mới với không gian kiến trúc hiện đại, khu dịch vụ cảng biển nước sâu và khu du lịch giải trí) nối liền trung tâm thành phố bằng cây cầu vượt đầm Thị Nại Quy Nhơn - Nhơn Hội dài gần 2.500 mét với cơ chế thông thoáng là môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hợp tác đầu tư, trong đó có Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu với quy mô công suất 20 triệu tấn/năm, từng bước trở thành hạt nhân, trung tâm phát triển công nghiệp lọc hóa dầu của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, là tiền đề thúc đẩy sự phát triển đột phá của ngành công nghiệp Bình Định trong thời gian sắp đến.

 

Trên lĩnh vực thương mại, Bình Định đã đạt được kết quả khá toàn diện, thị trường nội địa phát triển mạnh, đa dạng, hệ thống tổ chức kinh doanh ngày càng phát triển về số lượng và phạm vi hoạt động, toàn tỉnh hiện có trên 1.200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và trên 40.000 hộ kinh doanh thương mại và dịch vụ cá thể; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội liên tục tăng qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001 - 2005 đạt 12,3%/năm, giai đoạn 2006 - 2010 đạt 23,1%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 15,8%/năm. Ngành đã xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển thương mại, hệ thống chợ, cửa hàng bán lẻ xăng dầu… đến nay trên địa bàn tỉnh hiện có 179 chợ, 248 cửa hàng xăng dầu, hệ thống phân phối hiện đại, kinh doanh thương mại theo chuỗi, bán hàng qua các trung tâm thương mại, trung tâm phân phối, siêu thị như Metro, Coop Mart, Big C… đã có mặt tại Bình Định, cửa hàng tự chọn phát triển đa dạng, tạo kênh lưu thông phân phối thuận tiện giữa các vùng miền trong tỉnh với khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

 

Trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động, những rào cản mới trong thương mại quốc tế, chi phí đầu vào gia tăng… hoạt động xuất khẩu có những thành công nổi bật. Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của tỉnh liên tục tăng qua các năm, tổng KNXK giai đoạn 2001 - 2005 đạt 753 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17,2%/năm; giai đoạn 2006 - 2010 đạt 1.763 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,9%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 2.940 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,4%/năm. Xuất khẩu đã có những chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần xuất khẩu hàng thô. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, nếu như vào năm 2001 hàng hóa của tỉnh mới xuất khẩu vào 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, đến nay các mặt hàng chủ lực của tỉnh đã xuất khẩu trực tiếp sang 5 châu lục với 76 quốc gia và vùng lãnh thổ.

 

Mục tiêu phát triển ngành Thương mại đến năm 2020: Tổng KNXK 5 năm 2016 - 2020 đạt 4.500 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,4%/năm. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội 5 năm 2016 - 2020 đạt 382.400 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 17,3% năm. Đầu tư, xây dựng để thành phố Quy Nhơn từng bước phát huy vai trò trung tâm thương mại, dịch vụ và giao dịch quốc tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

 

Dưới sự lãnh, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Công Thương Bình Định tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa nội lực, tranh thủ tối đa ngoại lực, thúc đẩy Công - Thương phát triển, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Bình Định lần thứ XIX đề ra, đưa nền kinh tế của tỉnh Bình Định phát triển nhanh và bền vững, giàu về kinh tế, mạnh về an ninh, quốc phòng.

 

Nguyễn Kim Phương/Giám đốc Sở Công Thương Bình Định


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang