Khóa giả, hiểm họa thật
Hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. “Vấn nạn” này có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa, đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những trung tâm thương mại ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Hệ lụy tiêu cực của nó mang lại cho xã hội là không nhỏ, như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính người tiêu dùng, đồng thời làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính… Trong quý I/2020, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 37.414 vụ vi phạm, tăng 123,58% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số này có 11.815 vụ gian lận thương mại; 14.879 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả. Điều này cho thấy, tính chất, mức độ vi phạm trong việc làm hàng giả, hàng nhái, thương hiệu ngày càng tinh vi và phức tạp.
Là 1 trong những mặt hàng thường xuyên bị làm giả, tại tọa đàm “Đối thoại và chính sách” với chủ đề “Chống hàng giả, hàng nhái: Nỗ lực vì thị trường sạch” do Báo Công Thương tổ chức mới đây, ông Lương Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Khóa Việt-Tiệp - cho biết, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt tràn lan trên thị trường và là một vấn đề nhức nhối của xã hội, cũng như mỗi doanh nghiệp. Trên thị trường hiện nay, khóa giả, khóa nhái được bày bán tràn lan mang đến những hiểm họa khó lường. Vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của công ty, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu. Đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.
Theo nhận định của lực lượng quản lý thị trường, một phần nguyên nhân do một số người tiêu dùng nhẹ dạ, tâm lý chủ quan cùng thói quen chọn mua hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc đã vô tình tiếp tay cho những mặt hàng này có cơ hội lộng hành.
Đối với người tiêu dùng có ý thức cao về an toàn gia đình, họ lại không biết cách phân biệt hàng thật, hàng giả như thế nào để mua. “Các sản phẩm khóa giả được “nhái” lại với hình thức y chang khóa thật mà giá bán lại rẻ hơn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa có thói quen hay tự ý thức tìm hiểu kỹ thông tin về mặt hàng mình đang mua mà chỉ dựa vào những gì được in trên bao bì hoặc nhận thông tin từ những người bán hàng” - ông Lương Văn Thắng nhấn mạnh thêm.
Thực tế, không ít người tiêu dùng gặp trường hợp “dở khóc dở cười”, khi “chọn đại” mua một ổ khóa không nhãn mác với giá rẻ, nhưng sau thời gian sử dụng, té ngửa vì chất lượng xuống cấp nhanh chóng, thân khóa đôi chỗ bị gỉ sét, cũng như độ rơ lắc khi khóa rất lỏng lẻo, dễ mở bằng chìa khác, không an toàn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ không an toàn đến tài sản của người tiêu dùng, nhất là khóa là dụng cụ để bảo vệ công trình, khóa cửa, khóa nhiều vật dụng quan trọng.
Bảo vệ thương hiệu bằng tem xác thực truy xuất nguồn gốc
Trong những năm gần đây, mặc dù, cơ quan chức năng liên tục thu giữ, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên, số lượng thuyên giảm không đáng kể. Chính vì vậy, câu chuyện đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái cần sự chung tay của toàn xã hội, nếu như không có sự hợp sức từ doanh nghiệp và nâng cao cảnh giác từ người tiêu dùng thì khó lòng triệt bỏ hoàn toàn.
Ý thức được điều này, Công ty Cổ phần Khóa Việt-Tiệp hàng năm phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, xác minh và xử lý nhiều đối tượng buôn bán hàng giả. Đơn cử như năm 2016, công ty phối hợp với chi cục Quản lý thị trường các tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội xử lý hơn 20 trường hợp vi phạm, tịch thu và tiêu hủy hơn 500 bộ khóa giả. Năm 2017, công ty phối hợp với Công an kinh tế tỉnh Lạng Sơn bắt giữ đối tượng buôn bán 3.000 bộ khóa giả đang trên đường vận chuyển. Năm 2018, công ty phối hợp với Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh bắt giữ đối tượng vận chuyển 3.300 bộ khóa giả đưa từ cửa khẩu về Việt Nam tiêu thụ. Ngoài ra, công ty cũng là thành viên của các hiệp hội chống hàng giả, chống buôn lậu và bảo vệ thương hiệu: Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam; Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam,….
Không chỉ đồng hành cùng lực lượng chức năng trong cuộc chiến chống hàng giả, khóa Việt-Tiệp còn song hành cùng người tiêu dùng trong việc lựa chọn đúng hàng thật. Hiện nay, công ty đã triển khai nhiều giải pháp để giúp người tiêu dùng lựa chọn đúng khóa chính hãng, như cải tiến quản lý, đầu tư nâng cao công nghệ sản xuất với những thiết bị mới và hiện đại, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, các sản phẩm của công ty khó bị làm giả hơn. “Hàng năm, công ty nghiên cứu và cho ra đời từ 10 - 15 sản phẩm mới và sản phẩm cải tiến có thiết kế đẹp, sang trọng, có nhiều tính năng mới và hiện đại. Đồng thời cải tiến bao bì nổi bật, hấp dẫn cùng với công nghệ chống giả trên bao bì. Đặc biệt, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, hàng hóa khóa Việt-Tiệp sản xuất chỉ có duy nhất một phẩm cấp chất lượng” - ông Lương Văn Thắng nhấn mạnh thêm.
Bên cạnh đó, công ty còn chú trọng tăng cường quảng bá sản phẩm, tuyên truyền chống hàng giả tới người tiêu dùng như cử các nhân viên thị trường tới các cửa hàng để hướng dẫn khách hàng cách phân biệt hàng giả, những dấu hiệu nhận biết hàng giả và tuyên truyền qua các phương tiện như tờ rơi, poster, trên hệ thống website.
Ông Lương Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần khóa Việt-Tiệp
Đặc biệt, để chống hàng giả tốt hơn cùng với sự phát triển công nghệ hiện nay, khóa Việt- Tiệp đã sử dụng tem xác thực truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm của mình. Ông Lương Văn Thắng thông tin, hiện tại loại tem này không thể bị làm giả vì được sử dụng công nghệ hoàn toàn mới, quản lý trên hệ thống bảo mật nội bộ. “Chúng tôi rất tự hào là doanh nghiệp đi đầu trong việc sử dụng công nghệ đó. Người tiêu dùng chỉ cần sử dụng điện thoại có camera và kết nối Internet là có thể dễ dàng kiểm tra được hàng thật và hàng giả” - ông Lương Văn Thắng chia sẻ thêm.
Mặc dù có nhiều giải pháp để bảo vệ chính thương hiệu của mình, song vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn đang làm “đau đầu” các nhà sản xuất chân chính trong nước. Bởi vốn tiềm lực bản thân và các điều kiện không cho phép doanh nghiệp làm trên diện rộng để bảo vệ hàng hóa của mình. “Các doanh nghiệp trong nước rất cần sự ra tay mạnh mẽ, quyết liệt của các cơ quan chức năng, tạo sự công bằng, lành mạnh cho hàng Việt phát triển, đồng thời định hướng người tiêu dùng. Ngoài ra, tăng cường quảng bá với nhiều hình thức, về thời lượng và kinh phí cho các doanh nghiệp sản xuất mang thương hiệu Việt. Đặc biệt, nên giới thiệu những doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng chân chính để người tiêu dùng hiểu và có nhiều lựa chọn cho hàng Việt Nam chất lượng cao” - ông Lương Văn Thắng kiến nghị.
Hệ thống bán hàng của khóa Việt-Tiệp rộng khắp với 5 chi nhánh, hơn 400 đại lý phân phối và trên 5000 cửa hàng bán lẻ trên cả nước. Công ty thường xuyên kiểm tra, giám sát hệ thông phân phối về tuân thủ đúng các quy định của công ty để đảm bảo khách hàng được hưởng đầy đủ quyền lợi, chính sách ưu đãi và đưa sản phẩm chính hãng tới tay người tiêu dùng. |
Theo Báo Công Thương