Tiền thân của Công ty cổ phần Thủy điện Gia Lai là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Điện Gia Lai, được thành lập ngày 14/03/2002 với vốn điều lệ ban đầu là 6 tỷ đồng, trong đó bao gồm hai thành viên góp vốn là Công ty cổ phần Điện Gia Lai và Công ty Điện lực 3, nay là Tổng công ty Điện lực miền Trung.
Sau khi Nhà máy Thủy điện H’Chan xây dựng xong đưa vào vận hành khai thác, ngày 02/06/2008; Hội đồng Quản trị thống nhất chuyển Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Điện Gia Lai thành Công ty cổ phần Thuỷ điện Gia Lai, tiếp tục xây dựng Nhà máy Thủy điện H’Mun, tận dụng bậc thang nguồn nước sông A Jun qua đập tràn thủy điện H’Chan.
Hiện nay, GHC đang sở hữu, vận hành, khai thác thương mại hai nhà máy thủy điện H’Chan, huyện Mang Yang và H’Mun, huyện Chư Xê với tổng công suất 28,2MW. Sản lượng điện bình quân mỗi năm khoảng 120 triệu kWh, trong đó Nhà máy Thủy điện H’Chan là 66 triệu và H’Mun là 55 triệu kWh/năm.
Qua các báo cáo kết quả hoạt động SXKD, báo cáo hoạt động của HĐQT năm 2015 và phương hướng, giải pháp thực hiện kế hoạch trong năm 2016 cho thấy bước phát triển không ngừng của GHC trong 8 năm qua, luôn tạo được niềm tin bền vững đối với các cổ đông và nhà đầu tư bằng hiệu quả quản lý của mô hình thủy điện nhỏ GHC.
Năm 2015, vượt qua một số khó khăn chung của ngành thủy điện và đặc thù khí hậu trên địa bàn Tây nguyên là mưa ít, lượng nước mưa đổ về thấp hơn mọi năm dẫn đến sản lượng điện cả hai nhà máy chưa đạt, kéo theo doanh thu cũng không đạt theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, với sự điều hành hiệu quả của HĐQT và nỗ lực của CBCNV, GHC đã chủ động trong công tác sửa chữa, khắc phục sự cố, điều tiết nước theo chế độ vận hành hợp lý, giảm được các khoản chi phí sửa chữa. Nhờ vậy, điện thương phẩm đạt 93,52 triệu kWh đạt 82,57% KH, bằng 75,24% so với cùng kỳ năm 2014; doanh thu 119,54 tỷ đồng đạt 94,9% nhưng lợi nhuận trước thuế 69,37 tỷ đồng; sau thuế đạt 63,05 tỷ đồng bằng 113,7% so với năm 2014.
Ngoài các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được thực hiện thường xuyên, năm 2015 GHC cũng tạo ra những bước tiến mới trong quản lý kinh doanh và kỹ thuật: Thực hiện tốt phương án phối hợp điều tiết nguồn nước với nhà máy Ayun Thượng 1A, đảm bảo để nâng cao hiệu quả vận hành, tăng tối đa doanh thu của hai nhà máy.
Có thể nói sự chủ động của Ban điều hành từ thực hiện công tác kiểm tra an toàn thiết bị kỹ thuật, duy tu bảo dưỡng và vận hành thiết bị cơ điện, thí nghiệm định kỳ hệ thống đo đếm điện năng, lắp đặt hệ thống đo xa cho hai nhà máy H’ Chan và H’Mun, tu bổ thiết bị cho hai máy biến áp… đã phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm an toàn vận hành cho người và thiết bị.
Chỉ với 54 CBCNV, trong đó lãnh đạo và các phòng nghiệp vụ chỉ có 9 người, được bố trí kiêm nhiệm hợp lý, công nhân trực tiếp sản xuất tại hai nhà máy luôn được bồi dưỡng, đào tạo tay nghề kỹ thuật được nâng cao, đã không ngừng tăng năng suất lao động, tiền lương bình quân đạt 9 triệu đồng người/tháng.
Tổng số cổ phiếu GHC đang lưu hành thời điểm hiện nay là 20.500.000 cổ phiếu với giá hiện nay trên sàn UPCOM giao động từ 24.000 - 25.000 đồng/CP. Đại hội đã thông qua tờ trình chi trả cổ tức cho cổ đông đợt đầu năm 2015 là 27,5%. GHC đã “trình làng” một con số đầy sức thuyết phục trên sàn chứng khoán hiện nay.
Năm 2016, với kế hoạch điện thương phẩm 120,49 triệu kWh, GHC dự kiến tổng doanh thu lên đến 141,36 tỷ đồng, tăng 110,68 % so với năm 2015. Một bước tiến mới trong năm 2016 là GHC thực hiện niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và chào sàn trong quý III năm 2016.
Nước lên, thuyền lên, qua Đại hội thường niên năm nay, Cổ đông GHC luôn đặt niềm tin vào Ban điều hành và HĐQT với truyền thống đoàn kết, trách nhiệm và minh bạch sẽ dẫn dắt GHC chiếm những đỉnh cao mới.
Văn Thuận