Trong thời gian qua, để Công ty Dịch vụ điện lực miền Bắc đi vào hoạt động, Ban chuẩn bị sản xuất, một số Ban chuyên môn của Tổng công ty đã phải tiến hành rất nhiều công việc. Trong đó, toàn bộ lưới điện 110kV của công ty Lưới điện cao thế miền Bắc được chuyển giao về các công ty Điện lực từ ngày 30/11/2018. Bắt đầu từ 1/1/2019, công ty Lưới điện cao thế miền Bắc sẽ chính thức được đổi tên thành công ty Dịch vụ điện lực miền Bắc.
Cùng với đó là việc chuyển đổi mô hình và cơ cấu làm việc. Công tác sắp xếp lao động cũng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Bài toán nhân lực đã được Tổng công ty nghiên cứu, sắp xếp để phải bảo đảm được việc làm ổn định cho CBCNV.
Thành lập công ty Dịch vụ điện lực miền Bắc là việc làm hết sức quan trọng để tạo ra một môi trường làm việc đa dịch vụ ngành nghề, khai thác tối đa được các mảng công việc hiện có cùng với nguồn nhân lực sẵn có đáp ứng được yêu cầu trong các hoạt động dịch vụ.
Ông Quỳnh Thiều Kim Quỳnh - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc EVNNPC - nhấn mạnh: “Cốt lõi để thành lập công ty là bước đi hướng tới việc chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác dịch vụ điện. Nhìn lại thời gian trước so với hiện nay, công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng đã được đánh giá cao hơn rất nhiều, cùng với cách làm dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp hơn. Minh chứng cho điều đó là chỉ số tiếp cận khách hàng của EVN đứng từ thứ 64 xuống thứ 27 trên thế giới”.
Để tạo được niềm tin cho khách hàng, công ty sẽ phải giỏi trong công tác tổ chức công việc, giỏi trong sản xuất kinh doanh và cao hơn nữa là làm dịch vụ chuyên nghiệp vì lợi ích của khách hàng.
Đưa ra quy mô hoạt động trong thời gian tới, ông Quỳnh yêu cầu: Công ty cần tập trung vào một số nhiệm vụ được coi là những thế mạnh vốn có của Tổng công ty để triển khai hoạt động ngay. Đó là:
Bắt đầu từ năm 2019 toàn bộ công tác tư vấn trên địa bàn Tổng công ty sẽ giao cho công ty thực hiện. Trong đó, nhiệm vụ tư vấn giám sát là rất quan trọng, nhân lực đảm trách nhiệm vụ này đòi hỏi có trình độ và trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao.
Trong công tác Quản lý tài sản khai thác để các phương tiện sửa chữa, như: Xe sửa chữa hotline, xe cẩu lớn 14 - 25 tấn và xe siêu trường siêu trọng từ các công ty Điện lực và NGC sẽ đưa về cho công ty quản lý.
Đây là loại tài sản cần phải được quản lý và giám sát chặt chẽ, cũng như khai thác tối đa các phương tiện này phục vụ cho hoạt động. Bên cạnh đó, công ty cần đầu tư trang thiết bị làm việc để bảo đảm an toàn nhất cho người lao động trong quá trình làm việc.
Đối với nhiệm vụ sản xuất thiết bị, sẽ triển khai một bộ phận sản xuất các thiết bị điều khiển. Bên cạnh đó với khối lượng 400 TBA 110 kV và gần 50.000 TBA phân phối, nhiệm vụ sửa chữa thiết bị là một khối lượng công việc vô cùng lớn.
Ông Quỳnh cho biết trong lương lai những dự án chữa sữa lớn sẽ do công ty Dịch vụ điện lực miền Bắc đảm nhiệm. Để đáp ứng nhiệm vụ này cần phải có một lực lượng tinh nhuệ thực hiện. Đối với các dự án sửa chữa, ông Quỳnh yêu cầu phải có kế hoạch, tờ trình và báo cáo chi tiết về Ban Kỹ thuật, có bàn giao sản phẩm hoàn chỉnh tại các đơn vị.
Liên quan đến hệ thống điện mặt trời áp mái - một trong những nhiệm vụ nằm trong yêu cầu của EVN đối với EVNNPC, công ty cần khẩn trương lên kế hoạch và chuẩn bị phương án như thuê thiết bị, thiết kế thiết bị, lắp đặt, sắp xếp nhân lực để triển khai ở các tỉnh thành trong thời gian tới.
Nguồn Thời báo kinh doanh