Những năm gần đây, do nắm bắt dự báo tình hình thời tiết có những diễn biến phức tạp, nên Công ty lường trước những khó khăn khi lưới điện trên địa bàn tỉnh phải sử dụng điện từ hai nguồn riêng biệt (lưới điện Quốc gia và Trung Quốc), cả hai nguồn điện này đều ở cuối nguồn nên ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng điện. Nhiều huyện như Đoan Hùng, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Thủy là những huyện có dân số thấp, mật độ phụ tải và công suất sử dụng điện không cao, chưa có trạm biến áp 110 kV, phải kéo nguồn điện từ các huyện khác, lưới điện kéo dài, gây nhiều khó khăn cho việc cung cấp điện. Đặc biệt, khi đời sống kinh tế của người dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện, dẫn tới nhu cầu dùng điện ngày càng tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng điện năm 2014 là 8,9%, dự áo năm 2015, tăng lên 10 – 11%. Nhất là thời gian qua, tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài trên diện rộng, hầu hết các hộ gia đình từ thành phố đến nông thôn đều mua sắm thêm nhiều thiết bị sử dụng điện công suất lớn như điều hòa, tủ lạnh,… kéo theo đó là sản lượng điện tăng đột biến, gây quá tải lưới điện nhiều khu vực. Do vậy, Lãnh đạo Công ty đã triển khai nhiều phương án đảm bảo cung cấp điện an toàn ổn định cho các phụ tải, trong đó, ngoài việc đáp ứng đủ điện cho khách hàng sản xuất công nghiệp, Công ty Điện lực Phú Thọ đã rất quan tâm chú trọng tới đối tượng sử dụng điện khu vực nông thôn.
Với sự giúp đỡ của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, năm 2014, Công ty Điện lực Phú Thọ đã triển khai đầu tư xây dựng thêm trạm 110 kV Cẩm Khê, tập trung hoàn thiện hệ thống lưới điện mạch vòng kết nối cấp điện từ Cẩm Khê đi Yên Lập, Thanh Sơn, Hạ Hòa, nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Công ty cũng đã chú trọng nâng cao năng lực lưới điện khu vực nông thôn sử dụng vốn từ các Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Tái thiết Đức, nguồn vốn từ chương trình REII và của Chính phủ Phần Lan, trong đó đã thực hiện đầu tư, nâng cấp các đường dây trung, hạ áp cho 130 xã, với tổng vốn hơn 500 tỷ đồng, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân các địa phương.
Bên cạnh việc phát triển mới các trạm và đường dây, Công ty còn tăng cường công tác khảo sát, kiểm tra địa bàn, phát hiện, dự báo nhu cầu sử dụng điện của khách hàng, để có kế hoạch cấp điện hợp lý. Đồng thời, tích cực hỗ trợ bà con nông dân thay thế, sửa chữa lưới điện hạ thế, nhánh rẽ điện sinh hoạt, thay mới công tơ, đảm bảo sử dụng điện an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, mới đây, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty, kiêm Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ Dư Cao Minh đã trực tiếp chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, khẩn trương kiểm tra, rà soát, lập các phương án phòng chống quá tải trên toàn địa bàn, nhất là những khu vực có phụ tải khách hàng lớn, đông dân cư. Trong đó, sẽ đầu tư ngay việc xây dựng các đường dây và trạm trung, hạ thế, lắp đặt, bổ sung hệ thống tụ bù tại các trạm, cấy thêm trạm biến áp, hoặc hoán đổi máy biến áp để khắc phục tình trạng quá tải tại các khu vực. Bố trí lực lượng ứng trực 24/24h để xử lý tình huống khi có sự cố xẩy ra, nhằm đảm bảo vận hành điện liên tục, ổn định và an toàn cho người dân. Các Điện lực thành phố Việt Trì, Thị xã Phú Thọ, Điện lực Tam Nông, Thanh Thủy, Lâm Thao… thường xuyên chú trọng xây dựng phương án cấp điện, thực hiện tối ưu hóa công suất trạm biến áp, cân đảo pha, nâng công suất, hoán đổi máy biến áp, rà soát kịp thời các điểm nóng, khắc phục nhanh các khiếm khuyết của lưới điện, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, phòng chống cháy nổ…
Ảnh minh họa
Bằng những giải pháp thiết thực đó, năm 2014, Công ty Điện lực Phú Thọ đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh điện, trong đó, điện thương phẩm: 1.482,03 triệu kWh (đạt 100,82% so với kế hoạch); Doanh thu đạt 2.139,75 tỷ đồng (tăng 247,53 tỷ đồng so với năm 2013); Giá bán bình quân ở mức 1.441,80 đ/kWh (tăng 54,00 đ/kWh so với năm 2013); Tỷ lệ tổn thất điện năng là 7,16% (giảm so với năm 2013 là 0,15%), thấp hơn so với kế hoạch giao… Đặc biệt, 5 tháng đầu năm 2015, điện thương phẩm đạt 624,69 triệu kWh, giá bán bình quân đạt 1.495,92 đ/kWh.
Những năm tới, khi Việt Nam hội nhập sâu với nền kinh tế quốc tế, cùng với đó là hạ tầng giao thông được cải thiện sẽ là cơ hội giúp các địa phương mở rộng giao thương giữa các tỉnh trên phạm vi cả nước với các quốc gia châu Á, chắc chắn, tỉnh Phú Thọ sẽ thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đồng thời giúp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn có điều kiện khởi sắc hơn. Hy vọng, với sự điều hành năng động, sáng tạo của tập thể lãnh đạo Công ty, sự đoàn kết của CBCNV, cùng với những giải pháp có tính căn cơ, chiến lược trong đầu tư, phát triển, cải tạo, nâng cấp lưới điện, đảm bảo cung ứng điện liên tục ổn định, an toàn, hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống CBCNV, đồng thời, góp phần đắc lực để Phú Thọ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xây dựng tỉnh trở thành Trung tâm kinh tế Vùng, Trung tâm khoa học, công nghệ; giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, phấn đấu đến năm 2020 đạt được các tiêu chí của tỉnh công nghiệp và là một trong những tỉnh phát triển thuộc nhóm hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Như Trang