Những năm gần đây, hoạt động điện lực ở vùng cao, biên giới phía Bắc nói chung tuy có thuận lợi hơn, nhưng riêng đối với Sơn La – một tỉnh cửa ngõ vùng núi Tây Bắc vẫn hết sức khó khăn, trở ngại. Đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 14,5% số hộ dân chưa có điện lưới quốc gia và con số này sẽ còn tăng dần do phát sinh số hộ mới, đặc biệt là nguồn vốn của Dự án cung cấp điện cho đồng bào dân tộc chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, với địa hình miền núi, tỉnh Sơn La có diện tích rộng, dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt bởi nhiều sông, suối, địa bàn một số địa phương cách xa trung tâm tỉnh hơn 200 cây số… nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của CBCNV trong Công ty.
Với mục tiêu: “Giai đoạn 2015 - 2020, Công ty sẽ tập trung đầu tư phát triển nguồn và hệ thống lưới điện, đảm bảo cung cấp đủ điện, an toàn ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La; Phấn đấu đến năm 2020 có 99% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện”…
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ trên, Ban lãnh đạo Công ty đã xác định, phải chuyển biến mạnh mẽ từ suy nghĩ tới hành động của mỗi CBCNV, trong đó, chú trọng các giải pháp: Đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí giá thành, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn, thực hiện trách nhiệm xã hội; Không ngừng cải tiến dịch vụ khách hàng và cải cách thủ tục hành chính với phương châm: Dễ tiếp cận - Dễ tham gia - Dễ giám sát; Nâng cao năng lực dự báo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành kỹ thuật, khâu trọng yếu của ngành điện lực với việc tập trung đầu tư xây dựng quản lý hệ thống đo đếm, phát triển lưới điện thông minh, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Mà muốn thực hiện được, trước hết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bên cạnh việc tổ chức bồi huấn, đào tạo lại, đào tạo nâng cao về chuyên môn để người lao động làm chủ thiết bị, công nghệ mới, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức điều hành và kinh doanh điện năng, Công ty đã chú trọng đào tạo kỹ năng giao tiếp khách hàng. Trong đó, thực hiện việc lắp đặt máy ghi âm, thiết bị ghi hình camera để giám sát các hoạt động của nhân viên tại các phòng giao dịch, kiên quyết nói không với các biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân. Thực hiện khai thác, vận hành tối đa, có hiệu quả hệ thống chương trình CMIS, MRIS; Đẩy mạnh thu tiền điện qua ngân hàng, ATM; Triển khai hóa đơn điện tử trên địa bàn toàn tỉnh; Nâng cao chất lượng dịch vụ nhắn tin SMS; Kịp thời xác minh và giải quyết các thắc mắc của khách hàng sử dụng điện. Đồng thời, sắp xếp, bố trí lại lực lượng lao động, giảm đầu mối và xác định rõ chức năng nhiệm vụ của từng vị trí, qua đó có cơ chế khuyến khích những CBCNV tuổi cao, sức yếu, năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu để giải quyết nghỉ hưu trước tuổi.
Một số chỉ tiêu nổi bật:
- Năm 1990, Công ty quản lý 163 km đường dây trung thế, 72 km đường dây hạ thế, 97 trạm biến áp. Đến năm 2015 quản lý 1.290 km đường dây trung thế, 1.690 km đường dây hạ thế, 1.250 trạm biến áp. - Năm 1990, sản lượng điện đạt 3,34 triệu kWh, đến năm 2014, đạt 405 triệu kWh. - Tỷ lệ tổn thất: Năm 1990 ở mức 44%, đến đầu năm 2015, còn 6%. - Tính đến ngày 31/12/2014, đã có 204 xã, phường và thị trấn trong tỉnh có điện lưới quốc gia; 218.983 hộ dân có điện, chiếm tỷ lệ là 85,5%...
|
Đặc biệt, bên cạnh việc tham mưu đề xuất với Ngành và địa phương trong công tác đầu tư, phát triển lưới điện, Công ty chú trọng thúc đẩy các phong trào thi đua, xây dựng “Tổ điện cụm xã kiểu mới”; Đăng ký thực hiện “Lộ đường dây và trạm kiểu mẫu”…, nhằm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu SXKD, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng khu vực các xã vùng cao, vùng xa; Bảo đảm quản lý vận hành tốt thiết bị công nghệ, nâng cao độ an toàn, tin cậy của lưới điện, hạ tỷ lệ tổn thất điện năng…
Việc thực hiện quyết liệt các giải pháp trên đã tạo nên những hiệu ứng tích cực trong CBCNV và người lao động. Nhiều anh chị em trong Công ty không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, cung cấp điện năng với dịch vụ tốt nhất, còn xây dựng được mối quan hệ thân thiện với người dân các địa phương, thông qua việc họ thường xuyên đến với bà con, ngồi chuyện trò tâm tư, khi thì biếu túi hoa quả, lúc tặng cuốn lịch đầu xuân, nên được bà con đùm bọc, tin yêu và hết lòng ủng hộ. Người dân, nhất là đồng bào dân tộc ít nợ đọng tiền điện, mà còn giúp CBCNV trong phát triển và bảo vệ an toàn lưới điện. Nhờ các giải pháp trên mà từ năm 2013 đến nay, Công ty Điện lực Sơn La luôn được xếp là đơn vị dẫn đầu Tổng công ty Điện lực miền Bắc về mức độ hài lòng của khách hàng.
Có thể nói, hoạt động kinh doanh điện năng ở đồng bằng, miền xuôi đã khó, lên Sơn La mới thấy, mới hiểu được sự gian truân, vất vả ngày đêm của CBCNV ngành Điện lực Sơn La. Đã qua rồi cái thời vượt ngầm, băng sông, trèo núi đưa điện về với đồng bào vùng Phù Yên, Sông Mã, Quỳnh Nhai, để đưa điện tới công trình thủy điện hàng đầu Đông Nam Á, song còn đó những chuyến đi trong mưa rừng, lũ quét để thu tiền, mắc điện mới cho bà con các dân tộc, để xử lý khi sự cố xảy ra. Họ không phàn nàn, kêu ca khó khăn, vẫn một niềm lạc quan, vẫn tìm tòi sáng tạo với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Thật phi thường và khâm phục.
Không thể khái quát hết sau chuyến đi tìm hiểu hoạt động của ngành Điện vùng cao này, nhưng chúng tôi có cảm nhận, để có được những kết quả mà Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương ghi nhận, Lãnh đạo Công ty Điện lực Sơn La đã phải suy nghĩ rất nhiều, phải đầu tư nhiều công sức để xây dựng một mô hình, một hướng đi mà trong đó, sự đồng thuận và sáng tạo là điều kiện cần thiết để Công ty thành công và phát triển một cách bền vững.
Nguyễn Văn