Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Công ty Điện lực Thái Bình hiện đang quản lý, vận hành 2.175 km đường dây trung áp 10 kV và 35 kV; gần 5.400 km đường dây hạ áp 0,4 kV; có 19 trạm biến áp trung gian 35/10,5 kV (dung lượng 149.500 kVA); hơn 700 trạm biến áp phân phối 35/0,4 kV (dung lượng 393.196 kVA) và 2.176 trạm biến áp phân phối 10/0,4 kV (dung lượng 446.480 kVA). Với lưới điện như vậy, Công ty đã đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của phụ tải, đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, liên tục, phục vụ phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Nếu năm 2010, điện thương phẩm của Công ty đạt 882,7 triệu kWh, đến năm 2014, đạt 1.322,801 triệu kWh (tăng 14986%); tổn thất điện 5 năm trước ở mức 10,57% thì năm 2014 hạ xuống còn 8,34%; doanh thu năm 2010 đạt 767,67 tỷ đồng thì đến năm 2014 đạt 1.867,78 tỷ đồng.
Để quản lý hiệu quả gần 450.000 hộ khách hàng dùng điện, Công ty đặc biệt chú trọng nâng cao các giải pháp quản lý, trong đó nổi bật là việc thực hiện các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào sản xuất kinh doanh. Sau khi triển khai đề án lưới điện thông minh, áp dụng hàng loạt các công nghệ hiện đại, có độ chính xác cao vào thực tiễn, như: Thiết bị rơ le số; áp dụng mã vạch trong quản lý thiết bị đo đếm; lắp đặt công tơ điện tử đo xa; sử dụng máy tính bảng trong ghi chỉ số công tơ và chấm xóa tiền điện bằng thiết bị hỗ trợ cầm tay; thay thế ghi hóa đơn giấy bằng hóa đơn điện tử; đặc biệt là sử dụng chương trình phần mềm trong công tác quản lý, vận hành, kinh doanh bán điện…, Công ty Điện lực Thái Bình đã tập trung triển khai ứng dụng thương mại điện tử trong mọi mặt SXKD.
Với việc cho ra đời website: pcthaibinh.npc.com.vn cung cấp thông tin, dịch vụ khách hàng, Công ty đã chủ động phản ánh kết quả hoạt động SXKD, coi đây là kênh tuyên truyền tiết kiệm điện và hướng dẫn khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; Thiết lập đường dây nóng; Phổ biến chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định về kinh doanh bán điện. Đặc biệt, thông qua website, người dân có thể đăng ký mua điện trực tuyến, tra cứu tiền điện, lịch thu tiền, lịch cắt điện sửa chữa, đại tu… Bên cạnh đó, Công ty còn thiết lập hộp thư điện tử cho tất cả CBCNV và các phòng, phân xưởng, điện lực để trao đổi thông tin, tiếp nhận đề xuất, kiến nghị, khiếu nại của khách hàng về chất lượng dịch vụ điện và thực hiện quyền giám sát của người dân. Đồng thời, khai thác hiệu quả chương trình phần mềm CMIS 2.0, phục vụ công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, trong đó, thực hiện việc áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động bán điện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, qua đó nâng cao chất lượng quản lý của Nhà nước.
Có thể nói, không chỉ hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, mà thông qua việc sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong những năm gần đây, Công ty Điện lực Thái Bình đã được coi là doanh nghiệp đi đầu về ứng dụng hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật trong quản lý kinh doanh, đem lại nhiều tiện ích cho CBCNV và khách hàng dùng điện, góp phần đắc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Mai Hương