Để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với mức tăng trưởng ngày càng cao (năm 2014 đạt 23% và 6 tháng đầu năm 2015 lên tới 44%), đặc biệt, chỉ riêng tổ hợp công nghệ cao Sam Sung chiếm tới 35% - 40% sản lượng điện toàn tỉnh, Lãnh đạo Công ty Điện lực Thái Nguyên đã tập trung nhiều giải pháp đồng bộ, căn cơ. Trong đó, ngoài việc khai thác lưới điện hiện có, tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty đầu tư hơn 1000 tỷ đồng để xây dựng hoàn thiện lưới điện, trong đó có 01 trạm biến áp 220 kV và 04 trạm biến áp 110 kV, dự kiến trong năm 2015 sẽ hoàn thành. Bên cạnh đó, dành hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cho các chương trình cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới lưới điện phục vụ chống quá tải cho các khu vực đang phát triển mạnh về công nghiệp, nhà ở cho sinh viên, công nhân lao động, nhất là khu vực phát triển tổ hợp công nghệ cao Sam Sung trên các địa bàn TP. Thái Nguyên, huyện Phú Bình, TP. Sông Công, thị xã Phổ Yên.
Cùng với việc phát triển lưới điện, Công ty cũng đã triển khai lắp đặt hệ thống thiết bị điều khiển vận hành các trạm biến áp không người trực; ứng dụng công nghệ như bản đồ Gis; các chương trình phầm mềm kỹ thuật quản lý lưới điện, công nghệ thông tin, ứng dụng thiết bị điều khiển máy ngắt, đóng cắt điện đường dây từ xa… Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước lắp đặt công tơ điện tử, thiết bị đo xa tại 800 điểm khách hàng lớn; ứng dụng thiết bị đọc chỉ số công tơ điện tử, sử dụng máy tính bảng. Với việc đưa vào sử dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ tháng 10/2014, Công ty được coi là một trong những đơn vị đầu tiên ở khu vực các tỉnh miền Bắc, đem lại nhiều tiện ích và hiệu quả cho ngành Điện và độ tin cậy cho khách hàng. Công ty cũng tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hình thức thu tiền điện như qua hệ thống ngân hàng, thẻ tín dụng, qua tài khoản cá nhân để hạn chế nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Hiện tại, Thái Nguyên đang triển khai loại hình dịch vụ cấp điện mới, đó là khách hàng có thể gọi điện thoại, hoặc gửi Email đăng ký sử dụng dịch vụ như: Lắp đặt công tơ mới, di chuyển công tơ, sửa chữa lưới điện, sửa chữa hoặc thí nghiệm máy biến áp, Công ty sẽ cử cán bộ, nhân viên liên hệ, hẹn lịch đến khảo sát, hoàn thiện đơn giá và trực tiếp mang hợp đồng, hóa đơn đến khách hàng mà không tính bất kỳ loại phí nào. Riêng khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, Công ty phối hợp với các HTX dịch vụ, các tổ chức, cá nhân thực hiện việc thu tiền điện, nhằm đảm bảo thu đủ, hàng tháng không có dư nợ. Đặc biệt, trong vài năm lại đây, thời tiết có những diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền TKĐ, Công ty còn nghiên cứu chuyển giờ cao điểm tối sang giờ cao điểm từ 21h đến 5h sáng, thời điểm mà các gia đình sử dụng nhiều thiết bị tiêu tốn điện để có kế hoạch, phương án đối phó, đảm bảo độ an toàn, tin cậy của lưới điện, góp phần chống quá tải.
Nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp trên, nên năm 2014, sản lượng điện thương phẩm của Công ty thực hiện đạt 2.154,2 triệu kWh; Giá bán bình quân ở mức 1.416,68đ/kWh; Doanh thu đạt 2.398,95 tỷ đồng; Tỷ lệ tổn thất đạt mức 5,75%. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, tổng điện nhận thương phẩm (1.815 triệu kWh): 171,9 triệu kWh, lũy kế năm 2015 đạt: 866,1 triệu kWh (bằng 47,72 kế hoạch năm, tăng 8,26% so với cùng kỳ năm 2014. Tỷ lệ tổn thất đạt 5,4%.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Hoàng Dương – Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên cho biết, sở dĩ các hoạt động sản xuất kinh doanh điện năng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng hiệu quả, thực sự đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, chính là những năm gần đây, ngành Điện nói chung và Điện lực Thái Nguyên nói riêng đã đi trước một bước, chú trọng đầu tư một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm cho phát triển lưới điện khu vực đô thị tập trung, các khu công nghiệp và địa bàn nông thôn. Từ năm 2009, chỉ riêng khu vực nông thôn, miền núi, Công ty đã đầu tư gần 800 tỷ đồng để tập trung tiếp nhận, cải tạo, nâng cấp lưới điện, nhờ đó giúp cho người dân nông thôn được dùng điện với chất lượng tốt, dịch vụ hoàn hảo và giá điện theo quy định của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân các địa phương. Hiện tại, tỉnh đã có 129/145 xã đạt tiêu chí 4 về điện theo quy định của Chương trình xây dựng nông thôn mới (đạt 91%), Công ty phấn đấu chậm nhất đến năm 2016, sẽ hoàn thành tiêu chí 4 cho số xã còn lại và là đơn vị đi đầu ngành Điện hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Được biết, để hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh điện năng được giao, từ nhiều năm qua, Công ty đặc biệt quan tâm xây dựng phát triển đội ngũ, mà yếu tố then chốt chính là sự đoàn kết thống nhất từ Ban Lãnh đạo Công ty tới các phòng ban, đơn vị và toàn thể người lao động. Mọi hoạt động từ sản xuất, kinh doanh, mua sắm, tuyển dụng, chế độ lương, thưởng, bổ nhiệm cán bộ, đều được thực hiện trên cơ sở các quy chế, quy định đã được thông qua tại hội nghị CNVC hàng năm. Công ty khuyến khích và tạo điều kiện để người lao động được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị lý luận và tính đến thời điểm này, toàn Công ty có 1.058 CBCNV, trong đó có 389 đảng viên, 22 người có trình độ thạc sĩ, gần 300 người có trình độ đại học, số còn lại là trung cấp và công nhân chuyên ngành kỹ thuật điện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt là Công ty chú trọng tìm thêm việc làm mới, nhằm nâng cao đời sống, thu nhập của CBCNV.
Hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định và liên tục, góp phần phát triển kinh tế, thực hiện an sinh xã hội tại địa phương, Công ty Điện lực Thái Nguyên luôn được chính quyền và nhân dân trong tỉnh ghi nhận và đánh giá cao. Hy vọng trong những năm tới, với tinh thần đoàn kết, hiệp lực của CBCNV, sự chỉ đạo điều hành năng động, sáng tạo của tập thể Ban Lãnh đạo Công ty, Điện lực Thái Nguyên sẽ luôn xứng đáng là một trong những đơn vị nằm trong top đầu của Tổng công ty Điện lực miền Bắc và trở thành điểm sáng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Điện Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
Nguyễn Văn