Trước tình hình thực tế đó, Đảng bộ, Ban Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa đã tìm nhiều giải pháp khoa học, thiết thực để thực hiện thành công, thắng lợi nhiệm vụ cao cả là đưa ánh sáng của Đảng về với nhân dân ở khắp mọi miền vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, miền núi và hải đảo. Một trong những giải pháp quan trọng nhất, đó là xác định xây dựng yếu tố con người là khâu quyết định thành bại trong tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ. Cụ thể là xây dựng giá trị chuẩn mực văn hóa trong mọi hoạt động của CBCNV - NLĐ. Chính điều đó đã làm nên giá trị cốt lõi để xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững lâu dài, đi vào cuộc sống hàng ngày của mỗi CBCNV trong toàn ngành.
Từ nhận thức văn hóa doanh nghiệp (VHDN) là một tiêu chí rất quan trọng mang tính phổ biến và yêu cầu bắt buộc, do có những đặc điểm riêng, đó là địa bàn quản lý rộng, có đủ 4 miền: miền núi – trung du – đồng bằng – ven biển và 192 km đường biên giới với nước bạn Lào. Đồng thời, thấy rõ xu thế phát triển cạnh tranh thị trường điện trong những năm qua, Lãnh đạo Công ty Điện lực Thanh Hóa đã rất coi trọng công tác xây dựng VHDN, tạo ra phong cách chuẩn mực trong cư xử với khách hàng, với đồng nghiệp. Mọi người đều tự giác làm tốt bổn phận, chức trách được giao, luôn luôn yêu mến Công ty và công việc được phân công, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mọi thành viên trong đơn vị luôn hăng say, nhiệt tình, lao động hết mình với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, giúp đỡ lẫn nhau, tương thân, tương ái, sống vì mọi người, vì đơn vị và tập thể. Những điều đó phải trở thành nền nếp, ăn sâu vào tâm thức của CBCNV – NLĐ trong Công ty, thành nếp sống văn minh thường nhật trong cuộc sống của mọi người.
Mặc dù Công ty có nhiều khó khăn do địa bàn quản lý rộng, với nhiều hình thái địa lý dân cư và phong tục, tập quán địa phương khác nhau, song với quan điểm nhất quán của Lãnh đạo Công ty và sự tiếp thu những định hướng chỉ đạo chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã ban hành các văn bản, tài liệu hướng dẫn học tập đã được Công ty triển khai một cách nghiêm túc, cụ thể.
Xác định rõ trong tình hình hiện nay, sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập toàn cầu, buộc các doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển phải liên tục có những đổi mới cho phù hợp với thực tế. Dựa trên cơ sở chiến lược phát triển và kế hoạch sản xuất năm 2016-2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, căn cứ tình hình thực tiễn và chiến lược phát triển của đơn vị, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện VHDN dựa trên những nhiệm vụ cụ thể như sau:
Duy trì hoạt động thường xuyên của Ban chỉ đạo thực hiện văn hóa doanh nghiệp, hệ thống QLCL ISO, xây dựng và thực hiện Hệ thống quản lý chất lượng theo tiểu chuẩn 5S.
Kiểm tra lưới điện tại thị xã Sầm Sơn
Gắn liền ý thức VHDN trong xây dựng và trách nhiệm với doanh nghiệp, thông qua việc thực thi xây dựng hệ thống quản lý chiến lược (BSC) và chỉ số đo lường, đánh giá hiệu suất công việc (KPIs) của đơn vị từ tháng 3/2016 và hoàn thiện công tác tư vấn trong tháng 7/2016.
Tham mưu xây dựng các giải pháp thực hiện kế hoạch SXKD và Kế hoạch liên tịch của Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty về chương trình “Toàn thể cán bộ, công nhân viên chức lao động nói không với tai nạn lao động và tai nạn giao thông”, kế hoạch “Tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn” và mục tiêu của Công ty trong năm 2016 “Chất lượng và năng suất lao động” đạt hiệu quả cao.
Triển khai văn hóa doanh nghiệp theo các chuyên đề, thực hiện nghiêm Bộ quy tắc ứng xử của Tổng công ty, nhằm xây dựng hình ảnh người cán bộ ngành Điện tận tâm – trí tuệ, trách nhiệm – thân thiện. Thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp, triển khai và duy trì định kỳ quy chế đối thoại. Tiếp tục đẩy mạnh việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cùng với việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện VHDN, khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt. Bên cạnh đó, Công ty cũng tăng cường các biện pháp xử lý đối với những trường hợp vi phạm nội quy, quy chế, vi phạm các nguyên tắc, ứng xử VHDN đối với đồng nghiệp, đối tác và khách hàng làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của ngành Điện hoặc có hành vi gây mất đoàn kết nội bộ, nhằm nêu cao và chấn chỉnh tác phong, ý thức kỷ luật khi thực thi nhiệm vụ trong CNVC-LĐ.
Đảm bảo việc thực hiện các cuộc họp, văn bản chỉ đạo, công tác kiểm tra, tổng kết việc thực hiện công tác VHDN, chấm điểm việc thực hiện VHDN của từng đơn vị và cá nhân để khen thưởng những điển hình tiên tiến, đồng thời chấn chỉnh kịp thời đối với những tập thể, cá nhân chưa thực sự nghiêm túc. Thực hiện công tác khen thưởng năm với các thành tích của Công ty từ cấp đơn vị cơ sở.
Xây dựng VHDN là một quá trình công phu, thường xuyên liên tục, lâu dài, đòi hỏi mọi lúc, mọi nơi, mọi hành vi, lối sống của con người phải luôn luôn hướng tới những giá trị chuẩn mực, thể hiện trong công tác và cuộc sống thường nhật. Mọi người đều phải chung tay vào cuộc, coi đó là những giá trị cốt lõi của tinh thần, từ đó làm thay đổi tư tưởng và hành vi trong lối sống... Lãnh đạo Công ty Điện lực Thanh Hóa đã nhận thức sâu sắc và xác định xây dựng VHDN là động lực quan trọng, là tác nhân cơ bản thay đổi tư tưởng và nhận thức của con người, định hướng giáo dục cho người lao động nhận rõ được tầm quan trọng và sự cần thiết phải xây dựng VHDN, làm cho người lao động hiểu rõ vai trò của VHDN có ý nghĩa quan trọng và thiết thực trong đời sống của CBCNV – NLĐ. VHDN làm thay đổi những quan niệm sai lệch, những lối sống buông thả, hẹp hòi, ích kỷ cho riêng mình. Từ đó làm thay đổi nhận thức, tư duy của mọi người, để hướng tới những giá trị đạo đức chuẩn mực trong lao động, học tập, công tác và cuộc sống hàng ngày. Đó là những điều mà lãnh đạo ngành Điện lực Thanh Hóa đang tập trung xây dựng, duy trì thường xuyên để tạo ra những hiệu ứng tích cực lan tỏa rộng khắp trong công ty nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển góp phần tăng trưởng KTXH của tỉnh trong tiến trình hội nhập quốc tế./.
Xuân Trường