Để làm rõ vai trò của ngành Điện tại vùng đất cố đô, PV Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng đã có cuộc trao đổi với ông Hà Thanh Long – Giám đốc PC Thừa Thiên Huế xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết tình hình khắc phục khó khăn, thực hiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và kinh doanh bán điện năm 2018 mà EVNCPC đã giao.
Giám đốc Hà Thanh Long: Trong năm 2018, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp khác nhau để hoàn thành các chỉ tiêu theo lộ trình 5 năm 2015-2020 do Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) giao. Tính đến hết tháng 10/2018, nhiều chỉ tiêu đã và đang đạt được những kết quả tích cực:
Điện thương phẩm: 1.417,325 tr.kWh, đạt 85,02% kế hoạch năm. Giá bán bình quân: 1.724,97 đồng/kWh, tăng 6,97 đồng so với kế hoạch năm. Công ty đã lắp đặt công tơ điện tử (CTĐT) và hệ thống đo xa cho khách hàng: Số lượng CTĐT hiện chiếm 70,1% tỷ trọng công tơ bán điện toàn Công ty, so với cuối năm 2017, CTĐT đã tăng thêm 34.018 chiếc. Đến nay, 100% TBA công cộng và chuyên dùng đều được đo xa qua hệ thống DSPM và RF-Spider.
Với những giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới được áp dụng, chỉ tiêu điện dùng để truyền tải và phân phối được giảm đáng kể, theo phiên ghi thông thường, dự kiến PC Thừa Thiên Huế thực hiện đạt kế hoạch được giao 4,95%, giảm 0,10% so với cùng kỳ năm 2017 (5,05%).
Thao tác sửa chữa nóng lưới điện
Như vậy, việc cung ứng điện năng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội cho vùng đất cố đô được tăng trưởng qua từng năm. Năm 2016, sản lượng thương phẩm đạt 1.342,365 triệu kWh, tăng trưởng 7,72% so với cùng kỳ.
Năm 2017, điện thương phẩm thực hiện đạt 1.550,594 tr.kWh.
PV: Hòa nhập nhanh vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, PC Thừa thiên Huế đã ứng dụng KHCN, CNTT trong quản lý và điều hành sản xuất góp phần nâng năng suất lao động và hoàn thành các chỉ tiêu KTKT và kinh doanh bán điện như thế nào, thưa ông?
Giám đốc Hà Thanh Long: Hòa nhập trong xu thế CM công nghiệp 4.0, lãnh đạo Công ty đã sớm quan tâm định hướng, có những chỉ đạo nhằm tăng cường việc ứng dụng KHCN, CNTT. Từ việc ứng dụng CNTT để số hóa công tác nghiệp vụ chuyên môn hằng ngày, đến việc triển khai áp dụng những công nghệ mới phục vụ quản lý và điều hành sản xuất của Công ty.
Tiêu biểu là, Hệ thống SCADA/DMS qua nhiều giải pháp phát triển mở rộng đến nay đã phát triển đến 175 điểm nút: 01 TBA 220 kV; 09 TBA 110 kV; 03 nhà máy thủy điện; 05 trạm cắt; 05 trung gian; 82 Recloser; 43 LBS; 27 RMU;... cho phép giám sát, điều khiển và thu thập dữ liệu thiết bị điện toàn bộ lưới tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tạo lập hệ thống đọc dữ liệu công tơ tự động từ xa RF-Spider, DSPM, qua đó, dữ liệu chỉ số công tơ, công suất phụ tải, thông số vận hành, tình hình tiêu thụ điện của các công tơ điện tử.
Từ cuối năm 2017, Thừa Thiên Huế là tỉnh thành đầu tiên trong các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên công bố cung cấp dịch vụ điện trên cổng dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh, cho phép công dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh đăng ký trực tuyến tất cả 19 dịch vụ điện khác nhau.
Hệ thống GIS phục vụ quản lý hạ tầng kỹ thuật, tài sản lưới điện và khách hàng vừa được triển khai trong năm 2018 vừa qua. Qua hệ thống này, toàn bộ lưới điện tỉnh Thừa Thiên Huế đã được số hóa và quản lý bằng công nghệ GIS. Với hệ thống GIS đã xây dựng, Công ty đã nâng cao được hiệu quả công tác quản lý kỹ thuật, quản lý được chính xác, kịp thời tình trạng thiết bị để bảo dưỡng sửa chữa kịp thời, do đó đã giảm được sự cố trên lưới, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão.
Ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh TT-Huế ( thứ nhất bên trái) trao giải cho ông Hà Thanh Long –Giám đốc PC Thừa Thiên Huế, Đại diện công trình giải Nhất
Giải pháp này của Công ty cũng đã được tỉnh công nhận bằng Giải nhất Sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018 với đề tài “Giải pháp số hóa hạ tầng lưới điện tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Công ty cũng đã có nhiều đề tài sáng kiến cấp Công ty cũng như Tổng Công ty, góp phần hợp lý hóa sản xuất, tăng năng suất lao động. Chỉ riêng trong năm 2017 và 2018, đã có 41 đề tài được triển khai áp dụng mang lại hiệu quả, điển hình như: Giải pháp nâng cấp hệ thống điều khiển trạm 110 kV Phú Bài, Cầu Hai sử dụng thiết bị chuyển đổi giao thức và I/O phân tán; chế tạo máy gia công chi tiết cơ khí bằng thủy lực.
Với việc ứng dụng những giải pháp KHCN và CNTT nêu trên, bước đầu đã hỗ trợ nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý điều hành & sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất lao động và bắt kịp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế.
PV: Xin cám ơn ông và kính chúc PC Thừa Thiên Huế bước vào năm 2019 hoàn thành toàn diện thắng lợi hơn nữa nhiệm vụ kế hoạch mà EVNCPC đã giao.
Văn Thuận (thực hiện)