Khó khăn chồng chất khó khăn
Theo lời chia sẻ của ông Quyết, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2015 được coi là giai đoạn đầy khó khăn của ngành Dệt may Việt Nam nói chung và Công ty Pacific Ocean nói riêng khi phải đối đầu với áp lực rất lớn về cả đơn hàng, giá cả, vốn và công nghệ.
Hiện nay, toàn bộ dây chuyền sản xuất của Công ty bao gồm 100 máy chia thành 3 chuyền, với 100 công nhân, trong đó có 70 công nhân trực tiếp tham gia sản xuất. Quy mô nhỏ, nguồn vốn eo hẹp, nhân công ít, công nghệ còn chưa chuyên nghiệp hóa dẫn đến sản xuất không đáp ứng được các đơn hàng lớn. Bên cạnh đó, các xưởng sản xuất gia công trên địa bàn tỉnh cạnh tranh gắt gao, nhiều doanh nghiệp có vốn lớn và đầu tư bài bản nên có lợi thế hơn hẳn trong việc nhận các đơn hàng, dẫn đến tình trạng nguồn hàng không đều, khan hiếm. Vì sản phẩm gia công chủ yếu là áo Jacket xuất khẩu sang Hàn Quốc nên các hợp đồng hầu như mang tính thời vụ, sản xuất ồ ạt từ tháng 4 đến tháng 10, khoảng thời gian còn lại công nhân sản xuất cầm chừng, thậm chí phải “ngồi chơi xơi nước”.
Tuy nhiên, khó khăn đó chỉ mang tính nhất thời mà căn bệnh trầm kha nhất đối với Công ty là nguồn nhân lực. Con đường đến với nghề may chẳng có gì khó khăn, sau đào tạo 3 tháng người lao động có thể được tiếp nhận vào làm việc. Đầu vào dễ và đương nhiên ra đi cũng chẳng khó. Đó là lý do những công nhân có tay nghề thường chẳng mấy mặn mà bám trụ, bởi thu nhập thấp trong khi họ lại chịu nhiều áp lực. Lao động trong Công ty chủ yếu là lao động nữ tuổi trung niên, tuy có tay nghề, kinh nghiệm, nhưng thường bị chi phối bởi nhiều thứ, tất tần tật mọi việc lớn nhỏ từ cơm áo gạo tiền, đến hiếu, hỷ ở hai họ nội ngoại, lo con cái, lo mùa màng…, khiến người lao động không thể tập trung tối đa cho công việc, làm giảm năng suất lao động.
Mặc dù chỉ chuyên gia công sản phẩm may mặc xuất khẩu, phải thường xuyên làm việc với các đối tác nước ngoài, Công ty vẫn chưa xây dựng được bộ phận nhân viên văn phòng giúp việc chuyên nghiệp, năng lực trình độ, giao tiếp ngôn ngữ còn yếu, bộ phận tham mưu, tư vấn không có, luật pháp nắm không chắc, rất khó khăn trong quá trình giao dịch và hoàn thành các đơn hàng. Thậm chí, do cả tin thiếu kinh nghiệm, không tìm hiểu kỹ về đối tác, có trường hợp Công ty bị đối tác nước ngoài giả mạo, lừa đảo tiền hợp đồng gây tổn thất lớn.
Những giải pháp vượt khó
Để giải quyết những khó khăn trên, đồng thời giữ chân người lao động, giải pháp hàng đầu là phải có đủ nguồn hàng cho sản xuất và tăng thu nhập cho người lao động để đảm bảo cuộc sống. Chính vì vậy mà kế hoạch sắp tới, Công ty sẽ mở rộng diện tích nhà xưởng, hoàn thiện khu vực nhà ăn, kho thành phẩm. Sau khi hoàn thành, sẽ tuyển thêm 50 công nhân may, tổ chức lại sản xuất từ 3 chuyền lên 4 chuyền may, đảm bảo hoạt động quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn, đáp ứng các đơn hàng số lượng lớn. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng tích cực tìm thêm nhiều đối tác để người lao động có việc làm ổn định và tăng thêm thu nhập. Mới đây, một tin vui đã đến, Công ty đã đàm phán thành công đơn hàng gia công 50.000 bộ áo đi mưa sản xuất liên tiếp từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Có đơn hàng mới ổn định, doanh số tăng, đảm bảo đủ việc làm, giúp người lao động yên tâm, phấn khởi hơn.
Không chỉ vậy, cái khó ló cái khôn, trước những khó khăn hiện hữu, lãnh đạo Công ty đã có ý tưởng tận dụng nguồn nguyên phụ liệu thừa của hàng may để gia công các sản phẩm thời trang trẻ em, cung cấp cho đại lý phân phối tiêu thụ tại thị trường trong nước. Trong nỗ lực đó, Công ty đã xây dựng được một showroom trên địa bàn thành phố Hà Nội để bán và giới thiệu sản phẩm, từng bước tiếp cận khách hàng, xây dựng thương hiệu, phát triển năng lực nội tại. Doanh thu của Công ty 6 tháng đầu năm có sự tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đỗ Đại Quyết vẫn luôn đau đáu rằng, phải làm sao để đội ngũ cán bộ nhân viên được nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, như vậy mới có thể giao dịch tốt với đối tác nước ngoài, tìm kiếm được những đơn hàng lớn hơn. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp trong việc đầu tư, nâng cấp thiết bị, công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng tầm thương hiệu..., thì Công ty rất cần sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn khuyến công quốc gia và địa phương.
Có thể còn quá sớm để “vẽ” ra một tương lai tươi sáng ở phía trước, nhưng ít nhất ở thời điểm hiện tại khi các doanh nghiệp đang cầm cự từng ngày với biến động của thời cuộc thì sự ổn định và đi lên đã minh chứng cho ý chí và quyết tâm của tập thể cán bộ công nhân viên Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Sản xuất Pacific Ocean.
Lý Nguyễn