Theo đó, tăng cao nhất là nhóm giao thông (tăng 2,97%) chủ yếu do giá xăng dầu tăng cao; tiếp theo nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,98%, do giá gas, giá dầu hỏa, giá điện tăng kéo theo một số vật liệu xây dựng như sắt, thép tăng.
Báo cáo của Cục Thống kê TP chỉ rõ, trong tháng 5, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng từ 2/5/2019 và đến 17/5/2019 được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên tính theo giá bình quân thì giá xăng dầu vẫn tăng cao 5,96% so với tháng trước. Nhóm xăng dầu tăng khiến cho chỉ số nhóm giao thông tăng 2,97%.
Có 3/11 nhóm hàng có chỉ số giảm là nhóm dịch vụ ăn uống, lương thực và thực phẩm. Cụ thể, hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,11% do giá một số loại lương thực, thực phẩm giảm như gạo, thịt gia súc tươi sống, một số loại rau củ; thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,63%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,3%. Tháng này nhóm lương thực giảm 0,19% so với tháng trước. Giá các loại gạo tương đối ổn định, các loại ngô, khoai, sắn đều giảm giá; nhóm thực phẩm tiếp tục giảm 0,14% so với tháng trước, do hầu hết các mặt hàng trong nhóm có quyền số cao giảm như giá thịt gia súc tươi sống giảm 0,32%, thịt gia súc giảm do giá thịt lợn giảm 0,58%, thịt bò giảm nhẹ 0,07%.
Mặc dù công tác truyền thông, tuyên truyền khiến người tiêu dùng có nhận thức đúng hơn về dịch bệnh nhưng do dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn khiến người tiêu dùng vẫn e ngại và hạn chế sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Nhiều người chuyển sang các loại thực phẩm khác như gà, thủy hải sản làm cho giá các loại thực phẩm này tăng (nhóm thịt gia cầm tươi sống tăng 0,58%; thủy hải sản tươi sống tăng 0,31% so với tháng trước).
Theo Kinh tế Đô thị