Trong mức tăng 0.06% của chỉ số CPI tháng 1/2021 so với tháng 12/2020 có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó: Nhóm giao thông tăng cao nhất với 2.29% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào thời điểm 11/1/2021 và thời điểm 26/1/2021 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 6.07% (tác động làm CPI chung tăng 0.22%); bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm và sửa chữa phương tiện cuối năm tăng nên giá một số loại xe và giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện tăng.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0.64%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới (lương thực tăng 0.83%; thực phẩm tăng 0.81%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0.15%).
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,32%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cùng mức tăng 0,08%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%.
Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 2,31%, chủ yếu do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đợt 2 làm giá điện sinh hoạt giảm 16.88% (tác động làm CPI chung giảm 0.56%), mặt khác, giá gas tăng 7.67%, giá nhóm vật liệu, bảo dưỡng nhà ở tăng 1.94% và giá dầu hỏa tăng 8.33%. Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0.1%. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1/2021 giảm 0.97%.
Lạm phát cơ bản tháng 1/2021 tăng 0.27% so với tháng 12/2020 và tăng 0.49% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Thời báo kinh doanh