Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến CPI tháng 7 tăng là do giá xăng dầu trong nước biến động tăng theo giá xăng dầu thế giới và nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao trong thời gian nắng nóng kéo dài.
Trong mức tăng 0.4% của CPI tháng 7/2020 so với tháng trước có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó: Nhóm giao thông tăng nhiều nhất với 3.91% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 27/6/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 9.02% (tác động làm CPI chung tăng 0.37%).
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0.47%, chủ yếu do giá điện, nước sinh hoạt tăng lần lượt là 2% và 0.25% khi nhu cầu sử dụng điện, nước tăng mạnh vào thời điểm thời tiết nắng nóng và do giá gas tăng 1.13%, giá dầu hỏa tăng 8.2%.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0.3% do đây là tháng học sinh, sinh viên bước vào kỳ nghỉ hè nên nhu cầu vui chơi giải trí tăng cao. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0.07%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0.06%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0.02% do thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống, giải khát tăng (giá nước giải khát có ga tăng 0.11%, giá nước quả ép tăng 0.06%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục cùng mức tăng 0.02%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0.17%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0.18% (trong đó: lương thực giảm 0.2% do giá gạo giảm 0.33%; thực phẩm giảm 0.3%); nhóm bưu chính viễn thông giảm 0.02%.
CPI bình quân 7 tháng năm 2020 tăng 4.07% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 7/2020 giảm 0.19% so với tháng 12/2019 và tăng 3.39% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 7/2020 tăng 0.09% so với tháng trước và tăng 2.31% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm 2020 tăng 2.74% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Theo Thời Báo Kinh Doanh