Chặng đường đầy khó khăn
Bắt đầu đàm phán từ năm 2010, đây là một thỏa thuận về thị trường tự do giữa 12 nước thành viên gồm Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexco, New zealand, Peru, Singapore và Việt Nam (TPP 12) và cũng là hiệp định tự do thương mại thế hệ mới với tư duy mở cửa chưa từng có, đem lại cơ hội tiếp cận thị trường, hỗ trợ sản xuất trong toàn khu vực và xác lập tiêu chuẩn thương mại mới cho toàn cầu. Với Hiệp định này, các nước đang phát triển trong khu vực sẽ chấp nhận các điều kiện khắt khe về sở hữu trí tuệ, về bảo hộ đầu tư có lợi cho các nước phát triển, đổi lại, hàng hóa của họ có cơ hội lớn để tiếp cận với những thị trường lớn, quan trọng, trong đó lớn nhất là thị trường Mỹ. Thế nhưng, ngày 23/01/2017, Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định TPP, tiến trình đàm phán rơi vào bế tắc tưởng như không thể tiếp tục được.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của 11 nền kinh tế thành viên còn lại, tiến trình đàm phán vẫn được thúc đẩy. Tại Hội nghị Đà Nẵng, cuối cùng các Bộ trưởng cũng đi đến một thỏa thuận chung về một hiệp định thương mại tự do với tên gọi mới là CPTPP. Đến ngày 08/3/2018, tại Santiago, Chile, 11 nền kinh tế thành viên đã chính thức ký hiệp định CPTPP. Về cơ bản, CPTPP giữ nguyên các nội dung cốt lõi của TPP, tuy nhiên, trong đó có 20 điều khoản bị tạm hoãn hoặc sửa đổi so với TPP trước đây.
Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam
Với thị trường khoảng 500 triệu dân, quy mô kinh tế chiếm khoảng 13,5% GDP và 15% kim ngạch thương mại toàn cầu, Hiệp định CPTPP được kỳ vọng là sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường lớn, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.
Các nước thành viên CPTPP tại lễ ký kết hiệp định ngày 8/3 tại Santiago, Chile
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù Mỹ đã rút khỏi CPTPP khiến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu mất đi thị trường quan trọng và lớn nhất, nhưng với sự tham gia của các nền kinh tế lớn cũng đã mở ra cho nền kinh tế, cho các DN Việt Nam cơ hội kinh doanh mới ở những thị trường mới. Việc tham gia CPTPP sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, dệt may, thực phẩm… sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico... Ước tính, Việt Nam có thể tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 4% (tương đương 4,09 tỷ USD).
Mặt khác, với việc tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị thông qua hợp tác, liên kết với các DN trong khối CPTPP, giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư, có thể thu hút được dòng FDI với giá trị lớn hơn và công nghệ cao hơn vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Đồng thời, các thương hiệu Viêt Nam cũng có cơ hội nâng tầm và vươn xa.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đây là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ và phát triển khả năng sản xuất của nền kinh tế để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, từ đó tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt quan trọng hơn cả là việc giúp Việt Nam đẩy nhanh cải cách thể chế trong nước để vận hành nền kinh tế thị trường một cách toàn diện và triệt để, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bởi khi tham gia, Việt Nam sẽ phải đưa ra những cam kết rõ ràng hơn trong việc cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh những cơ hội thì CPTPP cũng tạo ra những sức ép nhất định, trước hết là sức ép phải tái cấu trúc nền sản xuất để có thế tối đa hóa lợi ích kinh tế mà hiệp định mang lại. Tiếp đến, nó cũng đặt ra cho các DN là phải tìm hiểu luật chơi, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh để có thể tồn tại, phát triển trước sự cạnh tranh của bên ngoài.
Doanh nghiệp cần làm gì để đón đầu cơ hội
Để tận dụng tốt nhất các lợi ích và khắc phục những khó khăn, các DN Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm được những cam kết của Việt Nam, đặc biệt là những thông tin liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN mình; Tìm hiểu về thị trường 10 nước thành viên; đồng thời, thay đổi cơ bản về tư duy quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh làm động lực để đổi mới và phát triển. Bên cạnh đó, khối DN trong nước cần phải xây dựng chiến lược dài hạn, liên kết mới có thể giúp nhau tham gia vào chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp lớn dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ vào chuỗi giá trị của mình.
Có thể nói, CPTPP đánh dấu một bước tiến quan trọng trên con đường hội nhập của Việt Nam. Theo các chuyên gia, nó mở ra một chặng đường mới với nhiều cơ hội nhưng cùng với đó là những thách thức mới, sức ép mới mà chỉ có chủ động vượt qua thì nền kinh tế VN cũng như cộng đồng DN mới đạt được kết quả như kỳ vọng./.
Đức Minh