Chủ Nhật, 24/11/2024 10:25:36 GMT+7
Lượt xem: 1608

Tin đăng lúc 17-07-2017

Cửa hàng tiện lợi: Xu thế mới trong thương mại tiêu dùng

Chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu với hơn 62.000 điểm bán trên thế giới 7 - Eleven mới đây đã chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam.
Cửa hàng tiện lợi: Xu thế mới trong thương mại tiêu dùng
Khách hàng chọn mua đồ tại một siêu thị mini trên phố Thái Thịnh, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng

Cùng với sự phát triển của các thương hiệu bán lẻ lớn khác đã có mặt trước đó, nhiều ý kiến dự báo mô hình chuỗi cửa hàng tiện lợi sẽ dần thay thế các quầy tạp hóa đã quen với nhiều người tiêu dùng Việt Nam.


Gia tăng thị phần chuỗi cửa hàng tiện ích


Số liệu khảo sát mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam cho thấy tại khu vực thành thị, cửa hàng đường phố, bao gồm tạp hóa nhỏ (quy mô dưới 50m2 và người bán ở luôn tại đây) và tạp hóa vừa (trên 100m2) hoạt động rất tốt, hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi kênh mua sắm hiện đại. Trong khi đó, mô hình chợ truyền thống bị ảnh hưởng nhiều nhất, giảm từ 14% xuống 10%; mô hình đại siêu thị, siêu thị tăng thêm 3 điểm phần trăm trong 10 năm, lên mức 12,8%. Mặc dù phát triển rầm rộ một số năm trở lại đây, song kênh bán hàng trực tuyến cũng mới chỉ chiếm 0,4% giá trị.


Từ kết quả khảo sát này, dự đoán mô hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini nằm xen trong các khu dân cư sẽ “lên ngôi” vì người tiêu dùng Việt Nam ngày càng hướng tới sự thuận tiện nhiều hơn khi mua sắm. Điều này lý giải vì sao cửa hàng tiện lợi đang nở rộ tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Từ các chuỗi hoạt động theo mô hình 24 giờ của các thương hiệu quốc tế như Shop&Go, Circle K, B’s mart, FamilyMart, MiniStop... đến mô hình cửa hàng tiện lợi của các thương hiệu trong nước như Co.op Food, Satra Foods, Vinmart+... Mỗi chuỗi kinh doanh đều đã phát triển tới con số hàng trăm cửa hàng và vẫn đang tiếp tục được mở rộng.

 

Cũng theo số liệu khảo sát của Kantar Worldpanel về ngành hàng tiêu dùng nhanh, thị phần của hai kênh này tại 4 TP lớn (gồm TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ) tăng từ 2% lên 3%, và giá trị (doanh thu) ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng đến 36% so với năm 2015 (chỉ tính khách hàng mua về tiêu dùng tại nhà). Theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường này, mô hình bán lẻ nhỏ và thuận tiện đang là lực tăng trưởng chính của thị trường bán lẻ.


Từng bước chiếm dần lợi thế


Yêu cầu đối với các cửa hàng tiện lợi là đưa được tất cả những gì người tiêu dùng cần cho cuộc sống cá nhân vào trong một mặt bằng nhỏ, từ đồ ăn, thức uống đến cây kim, sợi chỉ; từ bàn chải, kem đánh răng đến văn phòng phẩm, thẻ nhớ điện thoại..., và chúng phải được sắp xếp một cách ngăn nắp, có trật tự. Thậm chí khách hàng còn có thể trả một số loại hóa đơn điện, nước, điện thoại; đặt vé, rút tiền... Bên cạnh đó, hầu hết các cửa hàng tiện ích còn khai thác mảng thức ăn nhanh và dành ra một phần diện tích cửa hàng để phục vụ thực phẩm tại chỗ. Điều này đang là một lợi thế khi nhiều bạn trẻ thấy được sự đa dạng về hàng hóa, dịch vụ, sự tiện lợi, nhanh chóng thay vì mất khá nhiều thời gian xếp hàng thanh toán tại các siêu thị. Trong khi các cửa hàng tạp hóa chỉ đơn thuần mua, bán hàng hóa thì các cửa hàng tiện ích còn là thưởng thức ẩm thực, có thể ngồi hàng giờ với máy tính kết nối wifi,… Ngoài ra, hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini được đánh giá rất nhanh nhạy, luôn biết cách thay đổi để phù hợp với người tiêu dùng; lấy được nguồn hàng có giá tốt (nhờ doanh số tốt) nên giá bán rất cạnh tranh; quan hệ với người mua rất tốt, từ tư vấn bán hàng đến phục vụ nhanh chóng. Tuy nhiên, một trong những lý do ít người biết đến đó là loại hình cửa hàng tiện lợi chỉ thành công khi có mạng lưới rộng khắp. Do đó, việc nở rộ chuỗi cửa hàng chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.


Hãng tư vấn A.T. Kearney (Mỹ) mới đây cũng đã công bố kết quả khảo sát cho thấy mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ (minimart) là phân khúc đang phát triển nhanh nhất của thị trường bán lẻ Việt Nam. Năm nay, Việt Nam đã tăng 5 bậc, lên vị trí thứ 6 thị trường bán lẻ hấp dẫn toàn cầu. Với sức hấp dẫn này, cuộc đua cửa hàng tiện ích, siêu thị mini không chỉ có các tên tuổi nước ngoài đã có nhiều năm kinh nghiệm mà còn thu hút không ít DN trong nước tham gia như Co.opFood, Co.op Smile, SatraFoods, Vinmart+, Hapro, Vissan... Ngay cả DN bán lẻ chuyên về ngành hàng công nghệ như Công ty CP Thế giới Di động cũng nhảy vào thị trường này với các cửa hàng Bách Hóa Xanh.


Ở chiều ngược lại, các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ mặc dù vẫn còn chỗ đứng do thói quen mua sắm của một bộ phận người dân nhưng được dự báo sẽ sụt giảm trước xu hướng bán hàng mới trong những năm tới.

 

Nguồn Kinhtedothi


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang