Thứ Bẩy, 23/11/2024 01:17:37 GMT+7
Lượt xem: 4254

Tin đăng lúc 09-02-2018

“Cửa mở” cho xuất khẩu sản phẩm thịt

Một doanh nghiệp (DN) nội mới khởi công tổ hợp chế biến thịt hơn 1.000 tỷ đồng. Vài DN khác cũng đang đầu tư nhà máy chế biến thực phẩm sạch, khu chăn nuôi xanh. Tất cả đều nhằm đón đầu cơ hội xuất khẩu sản phẩm thịt sạch thông qua hợp đồng với Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Hy vọng sau những khó khăn trong những năm qua, ngành chăn nuôi có “cửa mở” trong năm 2018 nhờ mở thị trường XK, đẩy mạnh chuỗi liên kết.
“Cửa mở” cho xuất khẩu sản phẩm thịt

Đích thân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường mới đây khi đến dự khởi công tổ hợp chế biến thịt hơn 1.000 tỷ đồng tại Hà Nam (có công suất chế biến 1,4 triệu con lợn, tương đương 140.000 tấn thịt/năm) của tập đoàn Masan, đã nhấn mạnh: Chúng ta đang khắc phục điểm yếu của ngành chăn nuôi lợn hiện nay là khâu chế biến và phân phối sản phẩm thịt nhằm thúc đẩy XK sản phẩm thịt sạch, an toàn ra thị trường thế giới.

 

Liên kết chế biến

 

Việc sản xuất ở khu tổ hợp này tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) nhằm cung cấp cho thị trường sản phẩm thịt mát, theo mô hình khép kín 3F – từ trang trại đến bàn ăn. Nguồn cung cấp lợn cho nhà máy được đảm bảo từ mô hình chăn nuôi thịt lợn kiểu mẫu đang mở rộng ở tỉnh Hà Nam.

 

Hoặc gần đây có thể kể đến nhà máy chế biến thực phẩm sạch – khu chăn nuôi xanh của công ty CP Thương mại và Đầu tư Biển Đông tại tỉnh Nam Định với công suất giết mổ 250 – 300 con lợn tạ/giờ nhằm hướng đến XK sản phẩm thịt sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông. DN này hiện đã có đơn hàng từ Hàn Quốc sẽ tiêu thụ 2.000 tấn thịt lợn/năm. 

 

Hay như trường hợp Hùng Nhơn Group, để cho ra lô hàng gà thịt xuất sang Nhật vào tháng 9 năm ngoái, DN này (với gần 40 trang trại chăn nuôi đặt ở Bình Phước) đã đầu tư toàn bộ thiết bị máy móc hết sức hiện đại của Đức để tạo ra một hệ thống chuồng trại gà lạnh khép kín, tự động hóa…

 

Nhằm đẩy mạnh XK sản phẩm thịt gà, Hùng Nhơn Group đã tham gia vào một chuỗi liên kết khép kín (sản xuất sản phẩm thịt gà sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng khắt khe, theo chất lượng của thị trường Nhật Bản), trong đó họ đảm nhận vai trò chăn nuôi gà tại các trang trại gà đạt chuẩn Global Gap. 

 

Đồng thời, còn có một nhóm DN cùng tham gia vào chuỗi liên kết này như công ty TNHH De Heus (thuộc Tập đoàn De Heus, Hà Lan) cung cấp thức ăn; công ty CP Bel Gà (Bỉ) cung cấp giống, công ty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai) nhận trách nhiệm thu mua, giết mổ và XK.

 

Giới chuyên gia cho rằng chế biến sản phẩm thịt để XK theo hướng liên kết chuỗi là hoàn toàn có tính khả thi cao, mang lại lợi nhuận cho cả người chăn nuôi và các DN tham gia chuỗi. 

 

Đồng thời, việc nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi là yêu cầu cấp thiết hiện nay khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực. 

 

Nhiều chỗ trống cho xuất khẩu

 

Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất có thể chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau, đảm bảo việc điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.

 

Năm 2018 được xem là khoảng thời gian để DN Việt Nam tập trung XK thịt gà chế biến sang Nhật Bản. Sau năm 2018, một số DN Việt Nam có thể XK được thịt gà chế biến sang thị trường tiềm năng khác như Hong Kong, Singapore, Malaysia, Myanmar, Hàn Quốc. 

 

Đồng thời trong giai đoạn này, phía các DN Việt Nam sẽ tiến hành hoàn thiện hồ sơ XK thịt gia cầm đã qua chế biến gửi cơ quan có thẩm quyền của các nước có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm gia cầm từ Việt Nam.

 

Đối với ngành chăn nuôi lợn, nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá các DN Việt Nam có tiềm năng XK thịt lợn rất lớn. Với 4 triệu tấn thịt hơi, nhưng hiện chỉ XK được 20.000 tấn là quá ít ỏi, trong khi vẫn còn nhiều chỗ trống cho nguồn cung trên thị trường thế giới và trong khu vực.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc XK thịt lợn không chỉ nhắm đến thị trường Trung Quốc mà cả các thị trường khác, kể cả sản phẩm thịt lợn sữa, thịt lợn nhỡ XK nguyên con. Cùng với đó, cần chuẩn bị tích cực cơ sở vật chất cũng như phương tiện để tiến tới XK thịt lợn mảnh, một trong các yêu cầu để giúp ngành chăn nuôi sớm phục hồi.

 

Các DN Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển khâu giết mổ, cấp đông và chế biến đa dạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, để có thể đáp ứng nhu cầu XK ra nước ngoài điều mà lâu nay Việt Nam vẫn xem nhẹ. 

 

Chăn nuôi nhỏ lẻ có thể giảm, nhưng chăn nuôi lớn và đầu tư công nghệ cao theo chuỗi sẽ có cơ hội để phát triển. Sản phẩm thịt của Việt Nam cũng đang hướng tới vấn đề thực phẩm sạch và điều này cũng sẽ giúp nâng giá trị thịt lợn.

 

Về vấn đề thu hút DN đầu tư vào ngành chăn nuôi hiện nay, nhân góp ý về Luật Chăn nuôi (sửa đổi), theo luật sư Hoàng Văn Sơn, Trưởng văn phòng luật sư VNC, nếu chỉ thu hút một số tập đoàn có vốn lớn đầu tư thì vẫn chưa đảm bảo để ngành chăn nuôi phát triển bền vững và cạnh tranh với các nước trên thế giới khi chúng ta đã mở toang cánh cửa cho họ vào.

 

Luật sư Sơn nhấn mạnh sẽ không có bất kỳ biện pháp bảo hộ nào có thể áp dụng để bảo hộ cho ngành chăn nuôi khi các FTA đã ký và đang ký ngày một nhiều hơn. 

 

Để phát triển ngành chăn nuôi, chúng ta không chỉ dựa vào một vài tập đoàn kinh tế mạnh, mà cần phải đa dạng hóa sản xuất, có chính sách phù hợp khuyến khích ngành chăn nuôi truyền thống thay đổi để phát triển, chứ không để hết lần này đến lượt khác phải giải cứu.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang