Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, dự báo tình hình điều kiện khí hậu, thời tiết nước ta trong sáu tháng cuối năm 2016 nhận thấy khả năng bão, áp thấp nhiệt đới sẽ kết thúc muộn, gió mùa đông bắc hoạt động sớm và mùa lũ lớn xuất hiện với tần suất cao hơn so với cùng kỳ năm 2015. Lũ lụt đang diễn ra tại một số tỉnh Miền trung ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân.
Việc có đủ thực phẩm để ăn no trong các vùng lũ lụt là điều rất khó khăn. Theo lời khuyên của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người dân có thể sử dụng nhiều loại thực phẩm trong nhóm lương thực và các sản phẩm chế biến từ nhóm này như gạo, mì, ngô, khoai, sắn, mì tôm, bánh đa khô... để có bữa ăn no.
Trong đó, nhóm chất đạm như thịt, trứng, cá, tôm, cua, trai, ốc, đậu đỗ, vừng lạc...., người dân có thể tận dụng các thực phẩm dễ kiếm từ nguồn ao, hồ, sông, đồng ngập nước (cá, tôm, lươn, ốc, ếch...).
Nhóm vitamin và chất khóang như rau xanh, quả chín thì nên tận dụng các loại rau, củ quả có thể kiếm được ở địa phương. Ngoài rau trồng, còn có thể sử dụng nhiều loại rau mọc hoang dại như rau vòi voi, rau cải trời, rau dệu, rau giấp cá, rau dền gai, rau khúc, rau muối, rau sam, rau tàu bay, các loại măng rừng.
Cục ATTP cũng nhắc nhở: Người nấu ăn cần biết chọn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng, giá thành hạ, phối hợp đa dạng thực phẩm, tính toán nấu sao cho sát không để thừa.
“Thức ăn phải an toàn, không bị nhiễm hóa chất độc, không bị nhiễm giun hay nhiễm khuẩn, không được là nguồn gây bệnh. Ăn uống mất vệ sinh sẽ sinh bệnh, nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả khi thiếu thốn, khó khăn cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinh. Cần thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại gia đình” – Đại diện Cục ATTP nhấn mạnh.
Đặc biệt, người dân vùng lũ phải dùng nước máy, nước giếng, nước mưa, sông suối…đã qua xử lý hoặc lắng lọc. Nước phải trong, không màu, không mùi, không vị lạ. Nếu nguồn nước có nghi ngờ nên đề nghị cơ quan y tế kiểm tra. Dụng cụ chứa nước phải đảm bảo sạch, không thôi các chất gây độc.
Bên cạnh đó, Cục ATTP cũng lưu ý: Người dân vùng lũ cần ngăn chặn, xử trí kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm và thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.
Cụ thể, khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.
Phải vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.
Đồng thời, thu hồi toàn bộ các thức ăn đã gây ngộ độc hiện lưu hành trong khu vực hay gia đình để huỷ bỏ, thực hiện ngay công tác vệ sinh loại trừ yếu tố gây ô nhiễm và chờ cơ quan có thẩm quyền xử lý. Làm vệ sinh môi trường, và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.
Nguồn VietQ