Nỗ lực nâng tầm công tác nghiệp vụ
Bước vào quý 4/2022, hoạt động đầu tiên của Cục Quản lý thị trường QLTT Bình Định (QLTT Bình Định) là việc triển khai thực hiện Kế hoạch 888 - tên gọi của Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT của Tổng cục Quản lý thị trường về việc thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025; ngày 27/10/2022, Đoàn công tác của Cục Nghiệp vụ QLTT do đồng chí Thân Đức Công – Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Cục QLTT Bình Định, đồng thời phối hợp với các Đội QLTT trực thuộc kiểm tra đột xuất nhiều cửa hàng kinh doanh trên địa bàn.
Ông Trần Đức Tiến - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bình Định cho biết, ngay từ đầu năm 2022, Cục QLTT tỉnh Bình Định đã xây dựng Kế hoạch số 144/KH-CQLTT về đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025. Các Đội QLTT của Cục đã chủ động nắm bắt tình hình diễn biến thị trường, triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sát với thực tế. Kết quả, đã xử lý 15 vụ vi phạm, phạt vi phạm hành chính 169.750.000 đồng. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2022 xử lý 04 vụ, phạt VPHC: 45.500.000 đồng, Qua đó, các Đội đã tổ chức tuyên truyền, đồng thời cùng với 290 cơ sở ký bản cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đoàn công tác Cục Nghiệp vụ QLTT đã phối hợp với Đội QLTT số 3 và Đội QLTT số 5 đồng loạt tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 02 địa điểm kinh doanh trên địa bàn thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước. Theo đó, đã phát hiện và tạm giữ gần 120 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Adidas, Gucci, Lacoste, Chanel với tổng trị giá gần 22 triệu đồng.
Đội QLTT số 5 dán áp phích tuyên truyền tại cơ sở
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 04/11/2022 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, Cục QLTT Bình Định đã chỉ đạo, quán triệt các đơn vị trực thuộc triển khai phối hợp giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Trong đợt ra quân này, toàn Cục đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác.
Đối với các trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngừng hoạt động, Cục đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngừng, kiên quyết xử lý nghiêm khắc và kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm.
Phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Định, làm việc với các doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu, yêu cầu đảm bảo cung cấp đầy đủ kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối, không để gián đoạn nguồn cung ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của nhân dân.
Triển khai Công văn số 504/CQLTT-NVTH ngày 06/10/2022 của Cục QLTT tỉnh Bình Định về việc tuyên truyền chống thuốc lá điếu nhập lậu năm 2022, từ ngày 10/10/2022, Đội QLTT số 5 đã ra quân thực hiện dán gần 1.400 áp phích cảnh báo hành vi vi phạm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn huyện Tuy Phước, huyện Vân Canh và thành phố Quy Nhơn.
Hứa hẹn một thị trường tết sôi động, ổn định và lành mạnh
Ngày 30/9/2022, Hội đồng tiêu hủy - Cục Quản lý thị trường Bình Định đã tiến hành tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu thuộc diện tiêu hủy năm 2022, việc tiêu hủy góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ngày 30/9/2022, Hội đồng tiêu hủy - Cục QLTT Bình Định đã tiến hành tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu thuộc diện tiêu hủy năm 2022
Toàn bộ tang vật vi phạm hành chính thuộc diện tiêu hủy là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không đảm bảo chất lượng, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường với tổng giá trị trên 800 triệu đồng, cụ thể là: Đồ chơi trẻ em; đèn Led; củ sạc điện thoại; rượu trái cây; bánh, kẹo; sữa; dầu ăn; hạt nêm; váng sữa; mì lạnh; ngũ cốc; bún ăn liền; rong biển; sữa chua; kem đánh răng; dầu gội, dầu xả; xà phòng, sữa tắm; mũ bảo hiểm; kính nhựa; mỹ phẩm các loại.... không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có bản công bố hợp quy, không truy xuất được nguồn gốc, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, có khả năng gây mất an toàn cho người sử dụng, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường..., Hội đồng tiêu hủy đã lựa chọn hình thức, phương pháp tiêu hủy phù hợp theo từng chủng loại hàng hóa, đảm bảo đúng quy định và vệ sinh môi trường.
Với những nỗ lực đầy trách nhiệm, nhằm nâng tầm nghiệp vụ công tác QLTT trong năm 2022 và nhất là những tháng cuối năm, thời điểm giáp tết Quý Mão 2023, CBCNV Cục QLTT Bình Định tự hào đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mang lại được niềm tin cho nhân dân và hứa hẹn bảo đảm một thị trường tết sôi động, ổn định và lành mạnh trên quê hương “Trời văn - đất võ” Bình Định.
Văn Thuận