Trong bức tranh tổng thể năm 2021 của tỉnh Bình Định, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bình Định đã đóng góp những gam màu sáng về nghiệp vụ, góp phần bình ổn thị trường, chống buôn lậu hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và đang tích cực triển khai các giải pháp bình ổn thị trường phục vụ tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Tiến – Cục trưởng Cục QLTT Bình Định chung quanh vấn đề này.
PV: Trong bối cảnh khó khăn do tác hại của dịch bênh Covid -19, Cục QLTT Bình Định đã kiên trì vượt khó, triển khai đồng bộ các giải pháp nghiệp vụ, bình ổn thị trường, đóng góp chung vào sự phát triển KT-XH của Bình Định. Xin ông cho biết những thành quả tiêu biểu mà Cục QLTT tỉnh ta đã đạt được trong năm 2021?
Ông Trần Đức Tiến: Có thể nói năm 2021 là một năm đặc biệt khó khăn đối với lực lượng QLTT cả nước, trong đó có QLTT tỉnh Bình Định. Lực lượng chúng tôi phải thực hiện nhiệm vụ kép đó là vừa thực thi công vụ vừa đảm bảo các công tác phòng chống dịch hiệu quả trong bối cảnh dịch bênh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, Lãnh đạo Cục đã triển khai đồng bộ các giải pháp nghiệp vụ, chỉ đạo kịp thời các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình thị trường, từ đó kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Theo đó, 11 tháng đầu năm, toàn lực lượng đã kiểm tra 542 vụ, xử lý 193 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 800 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu tiêu hủy gần 5 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng thực hiện tiêu hủy hàng hóa tịch thu do vi phạm hành chính
Trong đó, điển hình là vụ việc kiểm tra xe ô tô tải biển số 89C- 027.37 do ông Hứa Văn T (SN 1992, ở Lục Ngạn, Bắc Giang) điều khiển lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn An Nhơn do Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Công an thị xã An Nhơn tiến hành kiểm tra. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong thùng xe có 500 hộp khẩu trang 3D Umino, 810 bình giữ nhiệt inox, 1.600 tuýp bôi da hiệu Jimingtang, 200 gói sữa bột kem xuất xứ Hàn Quốc, 750 chân ghế sofa kim loại xuất xứ Trung Quốc, cùng nhiều loại hàng hóa khác do nước ngoài sản xuất, trị giá hơn 838 triệu đồng.
PV: Để đạt được những con số có ý nghĩa thiết thực đó, Cục QLTT Bình Định đã triển khai những giải pháp chủ đạo nào về nghiệp vụ, nhất là phối hợp với Ban chỉ đạo 389 tỉnh và các ngành liên quan, thưa ông?
Ông Trần Đức Tiến: Để có được những kết quả trên, Cục QLTT tỉnh Bình Định luôn thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Tổng cục QLTT, UBND tỉnh, đồng thời chỉ đạo các Đội QLTT bám sát địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chống buôn lậu hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.
Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, Cục QLTT Bình Định đã tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh. Cụ thể, Cục QLTT Bình Định đã thực hiện ký quy chế phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục thuế, Cục Hải quan, Sở Công Thương,.. Trên cơ sở quy chế phối hợp đã được ký kết, các đơn vị đã chủ động trao đổi, cung cấp thông tin, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm theo chức năng nhiệm vụ giao. Theo đó, 11 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 763 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 13 tỷ đồng (trong đó, phạt vi phạm hành chính hơn 5 tỷ đồng, truy thu thuế 4,8 tỷ đồng, bán thanh lý hàng hóa tịch thu hơn 3 tỷ đồng).
PV: Năm 2022 đang mở ra những triển vọng mới về phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định giai đoạn “Bình thường mới hậu Covid”. Cục QLTT tỉnh đang triển khai đợt thi đua mới với những biện pháp “nóng” nào nhằm đảm bảo bình ổn giá cả thị trường chống buôn lậu, hàng giả để trước mắt phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, thưa ông?
Ông Trần Đức Tiến: Thời điểm cuối năm 2021 cùng với dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, dự báo tình hình buôn lậu, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,… với phương thức thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi (nhất là bán hàng qua các trang mạng xã hội) chưa có chiều hướng giảm và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Các đối tượng manh động, luôn tìm cách đối phó với các lực lượng chức năng, khó kiểm soát hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tiêu dùng. Do vậy, Cục QLTT tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cấp, xây dựng kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Qua đó, xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hoá trọng điểm; Tăng cường kiểm soát tại các khu vực tập kết hàng hoá ở các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hoá…
Lực lượng chức năng đang kiểm tra hàng hóa vi phạm
Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền những bài học kinh nghiệm của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Lan tỏa gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền tích cực hơn nữa để nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả kém chất lượng... để cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này. Đồng thời, phát động các phong trào thi đua lập thành tích trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với toàn lực lượng nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Qua đó, báo cáo nhanh, kịp thời các vụ việc, sự việc nóng diễn ra để kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ; Chú trọng công tác xây dựng lực lượng kiểm tra công vụ phát hiện các cá nhân, tập thể vi phạm trong hoạt động công vụ hoặc có hành vi nhũng nhiễu tiêu cực, bao che cho các đối tượng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại để đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật
PV: Xin chân thành cám ơn ông
Văn Thuận (thực hiện)