Chủ Nhật, 24/11/2024 08:07:52 GMT+7
Lượt xem: 1074

Tin đăng lúc 29-08-2020

Cung cầu, giá cả hàng hóa sẽ không có biến động bất thường

Năm học mới sắp bắt đầu, rằm tháng bảy và Trung thu cũng đang đến gần nên nhu cầu hàng hóa, nhất là các loại thực phẩm, hoa quả, bánh kẹo… sẽ tăng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang dần được kiểm soát, nguồn cung hàng hóa đã được chuẩn bị sớm và khá đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng nên giá hàng hóa sẽ không có biến động bất thường.
Cung cầu, giá cả hàng hóa sẽ không có biến động bất thường
Người tiêu dùng luôn tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19
Nguồn cung dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng
 
 
Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 8 diễn ra ngày 28/8, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - thông tin: tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thời tiết mưa bão tại một số địa phương đã ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa trong nước tháng 8. Nhiều chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại phải tạm dừng triển khai, việc hạn chế đến những nơi công cộng đã hạn chế sức mua của thị trường. Trên thị trường, các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh được cung ứng dồi dào, đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân. Với tâm lý yên tâm về nguồn cung hàng luôn được bảo đảm, nên tại các vùng có bùng phát dịch bệnh Covid-19 đã không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng dẫn đến tình trạng thiếu hàng, sốt giá cục bộ.
 
 
 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ và dịch vụ xã hội tháng 8 đạt 422.874 tỷ đồng, giảm 2,7% so với tháng trước. Ước tổng mức bán lẻ 8 tháng đầu năm đạt 3.225.072 tỷ đồng, đạt tương đương tháng trước, trong đó bán lẻ hàng hóa vẫn đạt mức tăng khoảng 4%, nhờ sự tăng trưởng của nhóm lương thực, thực phẩm, đồ dùng (tăng 5,4-8%) để bù lại mức giảm sâu của nhóm dịch vụ (16,4-54,4%).
 
 
Về xuất khẩu hàng hóa tháng 8 đạt 26,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước, tính chung 8 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 174,107 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Về nhập khẩu, tháng 8/2020 đạt 24 tỷ USD, tăng 8,6% so với tháng trước, tính chung 8 tháng đầu năm 2020 đạt 163,213 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính chung 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại ở trạng thái xuất siêu với mức xuất siêu khoảng 10,89 tỷ USD.
 
 
Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đã được thực hiện quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Lũy kế từ ngày 1/1 - 27/8/2020, lực lượng quản lý thị trường phát hiện xử lý trên 53.765 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 174,4 tỷ đồng. Riêng tháng 8, tính đến ngày 27/8, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra trên 9.660 vụ, phát hiện xử lý 8.977 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước là trên 13,1 tỷ đồng.
 
 
Liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bà Tạ Thị Thu Việt – Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê - cho hay, hiện chưa có số liệu chính thức về chỉ số CPI tháng 8/2020, tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng CPI tháng 8/2020 ổn định so với tháng 7/2020.
 
 
Tại cuộc họp, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đều chung nhận định: tháng 9/2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang dần được kiểm soát, bắt đầu vào năm học mới, chuẩn bị vào dịp rằm tháng bảy, Trung thu, nhu cầu hàng hóa, nhất là các loại thực phẩm, hoa quả, bánh kẹo… sẽ tăng. Tuy nhiên, nguồn cung hàng hóa đã được chuẩn bị sớm và khá đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng nên giá hàng hóa sẽ không có biến động bất thường.
 
 
Khó dự báo tình hình tiêu thụ hàng hóa thiết yếu Tết Nguyên đán
 
Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, việc dự trữ hàng hóa thiết yếu cũng được bàn đến tại cuộc họp. Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam - nêu ý kiến: mọi năm, các nhà bán lẻ tùy từng nhóm mặt hàng sẽ dự trữ hàng hóa từ 15%-30%. Tuy nhiên, năm nay do tác động của dịch Covid-19 nên việc dự đoán tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, diễn biến thị trường như trong tháng 8/2020, thị trường sẽ không có gì đột biến và các nhà bán lẻ còn có thể đoán được và dự trữ được hàng hóa. Tuy nhiên, nếu dịch Covid-19 bùng phát mạnh thì việc dự đoán sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
 
 
 
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước chủ trì Cuộc họp Tổ điều hành thị trường thường kỳ tháng 8/2020
 
 
Ngoài ra, các nhà bán lẻ cũng rất cần hỗ trợ vốn để cùng với nhà sản xuất, nhà cung cấp dự trữ hàng hóa phục vụ người tiêu dùng. “Nếu có nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, các nhà bán lẻ sẽ rất chủ động trong việc làm việc với nhà cung cấp, nhà sản xuất để chủ động được thị trường về giá, số lượng hàng, chất lượng hàng phục vụ cho người tiêu dùng một cách tốt nhất”, bà Vũ Thị Hậu nói. Đồng thời, kiến nghị phía Ngân hàng Nhà nước có những mức lãi suất ưu đãi cho nhà bán lẻ để họ có sự chủ động trong chuẩn bị nguồn cung hàng hóa.
 
 
Liên quan đến lĩnh vực xăng dầu, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Petrolimex - cho hay, trên địa bàn Hà Nội, Petrolimex có hơn 20 cửa hàng, ở những vị trí thiết yếu, nhưng do đây là những cửa hàng đã có từ lâu, sức chứa không nhiều. Việc vận chuyển nguồn xăng dầu đến với các cửa hàng này phải thực hiện vào ban đêm. Trong khi dân chưa quen với việc tình trạng một cửa hàng xăng dầu nào đó thông báo không còn hàng.
 
 
Trong khi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cứ 3 tháng cấp phép lại 1 lần. Một xe chỉ được vận chuyển xăng đến 2 cửa hàng. Do đó, phía doanh nghiệp kiến nghị kéo dài thời hạn cấp phép, tránh tình trạng doanh nghiệp phải trình lên và trình xuống trong việc cấp phép. Đồng thời, bỏ những quy định chặt chẽ không cần thiết.
 
 
Dịch bệnh Covid-19 trở lại lần 2, nhiều ý kiến cho rằng, sức chịu đựng của doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa và sức mua trong dân sẽ yếu hơn so với đợt dịch Covid-19 lần 1. Việc này sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng nội địa. Do đó, cần rà soát, đánh giá kênh phân phối, đặc biệt quản lý thị trường và bán lẻ.
 
 
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước, cho biết: thời gian qua dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều chương trình kết nối cung cầu như xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa đã thay đổi phương thức hoạt động, chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến, online.
 
 
Với sự chủ động về nguồn cung hàng hóa, nên trong tháng 8 đã không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Sản xuất trong nước có sự phục hồi nhất định trong khi vẫn còn nhiều khó khăn. Mặt hàng thịt lợn đã giảm giá.
 
 
Dịch Covid-19 trở lại lần này, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối phải đối diện với nhiều khó khăn. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp có những kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa sớm gửi về Bộ để Bộ tổng hợp báo cáo Chính phủ, từ đó có những hỗ trợ thực chất, hiệu quả và đúng đối tượng.
 
 
Về những kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội tại cuộc họp, Bộ Công Thương cũng sẽ tổng hợp, gửi về các cơ quan liên quan.
 
 
Theo báo Công Thương

Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang