Chủ Nhật, 24/11/2024 18:14:20 GMT+7
Lượt xem: 4065

Tin đăng lúc 23-09-2019

Cung tăng, thịt gà xuống giá

Giá thịt và trứng gà thời gian qua ở mức thấp do dịch tả lợn châu Phi khiến nhiều người dân nuôi lợn chuyển sang nuôi gà, vịt thay thế. Nguồn cung ngày một tăng, trong khi giá thịt gà nhập về Việt Nam chỉ là 18.000 đồng/kg, cạnh tranh với thịt gà nội địa.
Cung tăng, thịt gà xuống giá
Cần đẩy mạnh chăn nuôi gà đặc sản

Do không có kế hoạch, dự báo cung cầu rõ ràng, ngành chăn nuôi gia cầm đang đứng trước tình cảnh thua lỗ thấy rõ.

 

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong tháng 8/2019, giá thu mua gà và trứng tại trại giảm do nguồn cung dồi dào. Giá gà thịt lông trắng tại khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long giảm 1.000 – 2.000 đồng/kg, ở mức 24.000 – 25.000 đồng/kg.

 

Giá rớt do cung dồi dào

 

Giá thịt và trứng gà trong thời gian qua ở mức thấp do dịch tả lợn châu Phi khiến nhiều người dân nuôi lợn chuyển sang nuôi gà, vịt đẩy nguồn cung ngày một tăng. Trong khi đó, giá thịt gà nhập về Việt Nam chỉ 18.000 đồng/ kg, cạnh tranh với thịt gà nội địa.

 

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh tăng mạnh do nhiều người nuôi lợn thời gian qua bỏ nghề chuyển sang nuôi gia cầm. Hiện, tổng đàn gia cầm của Đồng Nai đang tăng nhanh. Cụ thể, tổng đàn gà vào khoảng 28 triệu con, tăng gần 6 triệu con so với cuối năm 2018. Đàn cút đạt trên 6,6 triệu con; đàn vịt, ngan, ngỗng đạt gần 1,2 triệu con, tăng cả triệu con so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gà công nghiệp bán tại trại chỉ khoảng 18.000 đồng/kg, thấp hơn 3.000 – 5.000 đồng/kg so với giá thành sản xuất. Giá gà thả vườn, vịt, cút cũng dao động ở mức thấp.

 

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, nguyên nhân khiến giá gà công nghiệp thời gian qua sụt giảm mạnh là do nhiều hộ chăn nuôi gà tăng đàn với kỳ vọng thịt gà sẽ thay thế thịt lợn trước tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi đang tàn phá ngành chăn nuôi lợn và giá thịt gà sẽ tăng.

 

Tuy nhiên, thực tế đến nay, nguồn cung thịt lợn dù có sụt giảm nhưng vẫn đang dồi dào, giá lợn vẫn ở mức thấp nên nguồn cung gà bị dư, kéo theo giá giảm mạnh. Ngoài ra, dù giá gà bán ra tại trại giảm rất mạnh trong thời gian dài nhưng giá bán thịt gà tại các chuỗi bán lẻ cũng như chợ lẻ hầu như không giảm tương ứng. Điều này đã không kích thích được nhu cầu tiêu dùng của người dân để giải phóng bớt lượng gà còn rất nhiều trong trang trại.

 

Trong khi đó, nhập khẩu thịt gà về Việt Nam đang gia tăng. Bộ NN&PTNT cho biết nhập khẩu thịt gà về Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 đạt trên 80.000 tấn, chủ yếu là đùi, cánh và chân gà, với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 10% so với năm trước. Giá đùi gà nhập khẩu về Việt Nam trong thời gian qua ở mức xấp xỉ 1 USD/kg.

 

Tập trung nuôi gia cầm đặc sản

 

Theo Ts. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt ngay trong thị trường nội địa với các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ hơn. Sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu từ một số nước như Canada, Mexico, Malaysia có nguy cơ gia tăng khi thuế giảm xuống 0% theo lộ trình của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

 

Mức thuế trung bình thịt nhập khẩu khoảng 15% sẽ được giảm xuống 0% trong 4-10 năm tới sẽ tạo cơ hội cho người tiêu dùng và nhà nhập khẩu tiếp cận với các sản phẩm rẻ hơn. Tuy nhiên, các nhà sản xuất và xuất khẩu trong nước sẽ bị ảnh hưởng nặng vì không thể cạnh tranh với dòng sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác.

 

Đặc biệt, trong trung và dài hạn, khi thịt gà đông lạnh sẽ được người tiêu dùng chấp nhận rộng rãi, sản xuất trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm thịt nhập khẩu từ CPTPP. Hậu quả là tăng trưởng sản xuất gia cầm trong nước có thể chậm lại trong những năm tới.

 

Trong sản xuất chăn nuôi gia cầm hiện nay, chi phí đầu vào còn cao (thức ăn, con giống, thuốc thú ý) dẫn đến giá thành sản phẩm cao, sức cạnh tranh yếu. Nếu so với các nước trong khu vực, giá thức ăn ở Việt Nam thường cao hơn 10 – 15% do đầu vào sản xuất thức ăn phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu nguyên liệu.

 

Do vậy, từ bài học chuỗi sản phẩm thịt gà đạt điều kiện xuất khẩu vào thị trường khó tính như Nhật Bản, ông Sơn kiến nghị cần tổ chức lại ngành chăn nuôi gia cầm theo mô hình liên kết chuỗi với các cấp độ khác nhau, trong đó các doanh nghiệp, HTX đóng vai trò quan trọng. Khuyến khích hình thức chăn nuôi gia cầm theo hợp đồng giữa các doanh nghiệp, chủ trang trại lớn có điều kiện về vốn, tiêu thụ sản phẩm liên kết với các gia trại, trang trại nhỏ.

 

Ông Bùi Hữu Đoàn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng thị hiếu tiêu dùng thịt và trứng gà của thị trường Việt Nam rất đặc biệt là thích thịt dai, trứng nhỏ nhưng chất lượng cao (thịt và trứng gà ta). Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội giúp người chăn nuôi định hướng, tập trung nghiên cứu nhóm gà này, đặc biệt là các loại gia cầm đặc sản.

 

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi gia cầm bản địa, cần hạ giá thành sản phẩm, làm tăng cơ hội để mọi người dân có thể tiếp cận được với thịt và trứng gà nội.

 

Theo Thời Báo Kinh Doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang