Thứ Năm, 21/11/2024 19:50:50 GMT+7
Lượt xem: 276

Tin đăng lúc 14-07-2024

“Cuộc cách mạng” về quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Với hàng loạt đề xuất mang tính “đổi mới”, “cởi trói” cho doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, nội dung sửa đổi Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là “cuộc cách mạng”...
“Cuộc cách mạng” về quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) được cho có nhiều điểm "đổi mới", "cởi trói" cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ trì tổ chức tổng kết đánh giá, xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) đồng thời báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép đưa Dự án Luật này vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 và đã được Quốc hội khóa XV đã thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Hiện, Dự thảo Luật (sửa đổi) đang được cơ quan soạn thảo đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

 

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt tại Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này liên quan đến quy định về tỷ lệ trích lập Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế. Quỹ này sẽ được sử dụng để đảm bảo sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc tái đầu tư từ lợi nhuận hàng năm, qua đó, nâng cao hiệu suất đầu tư từ phần vốn của Nhà nước.

 

Theo cơ quan soạn thảo, tiếp thu ý kiến các cấp có thẩm quyền và doanh nghiệp trong quá trình đề nghị xây dựng luật, có 3 phương án đề xuất gồm: Trích tối đa 50% lợi nhuận sau thuế; Trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế; Để lại 100% lợi nhuận sau thuế.

 

Trên cơ sở 3 phương án, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ xem xét, quyết định thực hiện phương án trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp.

 

Bên cạnh đó để tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở vốn với chức năng quản lý Nhà nước, phân công rõ, phân cấp mạnh trong đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã quy định rõ: Nhà nước, Chính phủ chỉ quản lý đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư khác.

 

Nhìn nhận về các đề xuất đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, các nguyên tắc, nội dung Dự thảo Luật (sửa đổi) đề xuất đã thể hiện tính “đổi mới”, “cởi trói”, trao nhiều quyền hơn cho các doanh nghiệp.

 

 

Theo chuyên gia, Dự thảo Luật (sửa đổi) thực sự là “cuộc cách mạng” trong quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - Ảnh minh họa

 

Đánh giá về những đề xuất sửa đổi tại Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Dự thảo Luật thực sự là “cuộc cách mạng” trong quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tuy nhiên, để sửa Luật sẽ là một quá trình rất phức tạp, gian nan. Cách tiếp cận, tinh thần sửa Luật có rất nhiều điểm tích cực.

 

Theo ông Thành, điểm mới đầu tiên của Dự thảo Luật là làm rõ vai trò của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, là một nhà đầu tư chuyên nghiệp trong thị trường cạnh tranh, hội nhập, Nhà nước không còn quản lý, can thiệp trực tiếp vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hay nói theo cách khác là quản lý doanh nghiệp theo dòng vốn đầu tư, không quản lý theo pháp nhân.

 

Thứ hai, tăng tính minh bạch, quyền hạn, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thứ ba, Dự thảo Luật thể hiện sự linh hoạt, thích ứng với thị trường, trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi lại vốn nhà nước. Điểm mới nữa trong cách tiếp cận là cố gắng xử lý các “ách tắc” hiện nay của doanh nghiệp như vấn đề quản trị, quản lý doanh nghiệp F1, F2, đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

 

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nội dung chính sách của Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) đã thể hiện tư duy thị trường, xác định Nhà nước là một chủ đầu tư vốn trong doanh nghiệp như các nhà đầu tư khác.

 

“Nội dung chính sách đã thể hiện tư duy thị trường, xác định Nhà nước là một chủ đầu tư vốn trong doanh nghiệp giống như các nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo nên xem xét nguyên tắc quản trị, công khai minh bạch theo chuẩn đối với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay”, ông Tuấn lưu ý.

 

Trong khi đó, đại diện cho quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, bà Vũ Thị Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế và Kiểm soát nội bộ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sửa đổi theo hướng, cơ quan chức năng chuyển từ quản lý doanh nghiệp sang quản lý theo dòng vốn. Tuy nhiên, doanh nghiệp Nhà nước có nhiều loại, với nhiều mức vốn khác nhau do Nhà nước góp. Hiện nay, doanh nghiệp Nhà nước có 51% vốn Nhà nước góp trở lên mới có thể chi phối, với những doanh nghiệp Nhà nước có tỷ lệ vốn góp dưới 51% sẽ xử lý quyết định quản lý dòng vốn như thế nào?

 

“Dự thảo luật quy định quản lý theo dòng vốn, nhưng việc quản lý dòng vốn rất khó. Tôi đề xuất ban soạn thảo có quy định cụ thể về quản lý dòng vốn để tránh tình trạng như một số vụ việc vừa qua xảy ra, do không quy định cụ thể, tiềm ẩn nguy cơ mất cán bộ”, bà Nhung kiến nghị.

 

Được biết, theo dự kiến, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), trên cơ sở đó đó, Luật (sửa đổi) dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang