Sức ép mạnh
Bên cạnh những DN trong nước như Hapro, Co.opmart, Fivimart, Ocean mart,... đến nay chúng ta đã cho phép một số DN trong lĩnh vực phân phối có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như Tập đoàn Casino của Pháp (các siêu thị BigC), Metro của Ðức (các trung tâm Metro Cash&Carry), Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Parkson (Malaysia), Robinson của Thi Lan (với trung tâm mua sắm Robins),... Ngoài ra, các tập đoàn bán lẻ lớn của thế giới như Walmart (Mỹ), Auchan (Pháp), Emart (Hàn Quốc),... hiện cũng đang quan tâm đến việc thành lập cơ sở của mình tại Việt Nam. Ðiều dễ nhận thấy, phần lớn các tập đoàn này đều có thế mạnh về tài chính, kinh nghiệm, công nghệ,... cộng với sự ưu đãi đầu tư của một số địa phương khiến các DN trong nước cùng lĩnh vực sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh, phân phối hàng hóa. Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) Vũ Th Hậu cho biết, hiện đang là giai đoạn cạnh tranh khốc liệt giữa DN bán lẻ trong nước và nước ngoài. Cuộc cạnh tranh này ngày càng cam go hơn đối với các DN trong nước, do không cân sức về nhiều yếu tố như vốn, kinh nghiệm, hàng hóa,...
Theo giới kinh doanh, sự góp mặt của các nhà đầu tư trong khu vực sẽ tạo một áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp trong nước. Bởi hiện nay, mặc dù các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ mới chiếm khoảng 6 – 7% số lượng tại các điểm bán như các trung tâm thương mại, khu mua sắm, siêu thị… nhưng mỗi tập đoàn lại có doanh thu lớn hơn rất nhiều so với doanh nghiệp Việt Nam. Với tiềm lực kinh tế mạnh, trung bình mỗi điểm đầu tư mới họ đều có quy mô gấp ba, bốn lần các siêu thị trong nước. Hơn nữa, kinh nghiệm hàng trăm năm kinh doanh, mối quan hệ với các đối tác trong lĩnh vực bán lẻ, các thương hiệu ngoại có lợi thế hơn rất nhiều trong cuộc chiến giành thị phần. Trong đó, các nhà bán lẻ Thái Lan mặc dù mới “gia nhập thị trường” nhưng lại là một đối thủ đáng gờm cho các doanh nghiệp trong nước. Sau khi Metro rơi vào tay Berli Jucker Plc, nhiều người đã cảnh báo về một cuộc đổ bộ của hàng Thái vào thị trường Việt.
Xa hơn, còn có cả lo ngại nữa về việc thương hiệu Việt sẽ dần bị lép vế khi các chuỗi bán lẻ nước ngoài đang ngày càng áp đảo các chuỗi bán lẻ Việt. Đây là một mối lo ngại có thật. Bởi nhà bán lẻ có toàn quyền lựa chọn thương hiệu trưng bày trong không gian của mình. Và dĩ nhiên, sự ưu ái dành cho những sản phẩm đến từ quốc gia của công ty mẹ là điều dễ hiểu. Chúng ta có thể quy định một tỷ lệ phần trăm bắt buộc những nhãn hàng thương hiệu Việt trên một chuỗi bán lẻ bất kỳ nhằm bảo vệ thương hiệu Việt. Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp căn bản.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, để không bị lép vế trên “sân nhà”, quan trọng nhất, Việt Nam phải có được những chuỗi bán lẻ thương hiệu Việt đủ mạnh để có thể tồn tại và cạnh tranh bên cạnh các ông lớn quốc tế. Trên thực tế, nhiều thương hiệu lớn đã từng thất bại khi mở rộng, bị những thương hiệu bản địa đánh bật khỏi thị trường. Chúng ta đã chứng kiến sự gục ngã của hai ông lớn bán lẻ hàng đầu thế giới là Wal-Mart và Carrefour tại thị trường Hàn Quốc, do sự khác biệt về thói quen mua sắm của người dân bản đại. Tại Đức, Wal-Mart, đại gia về giá với Slogan “Giá rẻ mỗi ngày” (Everyday low price) đã không thể cạnh tranh với công ty Metro của người bản địa.
Nói vậy để chúng ta thấy rằng ông lớn có sức mạnh của ông lớn, doanh nghiệp bản địa có sức mạnh của doanh nghiệp bản địa. Điều quan trọng là doanh nghiệp bản địa phải biết phát huy sức mạnh nội tại của mình.
Nước đến chân mới… giật mình!
Tại hội thảo “Những vấn đề cấp bách của thị trường bán lẻ và kiến nghị chính sách của doanh nghiệp” do Hội doanh nghiệp (DN) Hàng Việt Nam chất lượng cao (DNHVNCLC) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức ngày 15-10 tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều DN cho biết họ cảm thấy lo lắng trước hàng loạt cuộc “đổ bộ” của DN nước ngoài vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Bởi, không chỉ mất thị phần vào tay các nhà bán lẻ nước ngoài mà cơ hội của hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối lớn này cũng không bao nhiêu.
Luật sư Lê Nết (Công ty luật LNT) cho rằng, các DN bán lẻ Việt Nam thiếu hai điều quan trọng là vốn và công nghệ, trong khi đây lại là thế mạnh của các DN nước ngoài. Tuy nhiên, các DN nội không cần quá lo lắng khi các nhà bán lẻ nước ngoài thâm nhập thị trường vì nếu liên kết được với họ thì DN Việt Nam sẽ cải thiện được các điểm yếu để cùng phát triển. Ông Phan Th Ruệ- Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam- cũng cho rằng, nhiều người nhận định DN Việt Nam thua trên sân nhà là chưa chính xác bởi DN Việt Nam vẫn chủ động trên thị trường bán lẻ, vẫn phát triển mạng lưới các siêu thị, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, để DN nội phát triển vững mạnh trước “làn sóng” bán lẻ từ nước ngoài đang tràn vào thì Nhà nước cần làm cho môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, nhất là cơ sở hạ tầng và các thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục kinh doanh phải được minh bạch hóa.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, lâu nay Nhà nước và DN chỉ chú trọng đến xúc tiến thương mại ở nước ngoài, chưa có sự quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa. Mặt khác, theo các cam kết mậu dịch tự do mà chúng ta đã ký thì Việt Nam đã liên tục hạ thấp hàng rào kỹ thuật trong nước để mở rộng cho hàng hóa nước ngoài vào thị trường trong nước dẫn đến tình trạng “không có đường lui”. Do vậy cần cân nhắc điều chỉnh chính sách, chẳng hạn không cho phép mở hệ thống chuỗi cửa hàng nhỏ lẻ tràn lan bởi nhiều khi sức công phá của nó đối với thị trường nội địa không kém gì các chuỗi lớn.
Trách nhiệm của Nhà nước
Một số DN Việt Nam cho rằng nhiều chính sách kinh doanh hiện nay đang tạo ra sự thiếu bình đẳng giữa các DN trong và ngoài nước, nhiều nhà đầu tư “ngoại” đang được hưởng ưu ái. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đồng tình với nhận định này khi cho rằng: Hiện các địa phương muốn thu hút đầu tư nước ngoài nên ưu tiên cho các nhà đầu tư “ngoại”. Nhận thức như vậy vô tình đã gạt hệ thống phân phối của Việt Nam ra ngoài cuộc. Do vậy, các ngành, địa phương cần hỗ trợ nhiều hơn cho DN nội làm hệ thống phân phối. Nhà nước cũng cần có tiếng nói cảnh báo, nhắc nhở trong việc này.
Bà Vũ Kim Hạnh- Chủ tịch Hội DNHVNCLC- cho rằng các chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài cũng như bảo vệ nhà đầu tư trong nước đều có, nhưng không kết nối với nhau và không có sự thông tin phối hợp nhịp nhàng khi thực hiện chính sách. Trong những kiến nghị gửi đến cơ quan chức năng về chính sách cho ngành bán lẻ Việt Nam, bà Vũ Kim Hạnh đề nghị Nhà nước quan tâm đến vai trò thiết yếu của tiêu thụ trên chuỗi giá trị vốn là khâu thiết yếu quyết định ngược lại nền sản xuất, vì nếu không tiêu thụ tốt thì sản xuất không thể phát triển. Bên cạnh đó tiếp tục ngăn chặn và xử lý thích đáng những hành vi gian lận thương mại; giữ môi trường cạnh tranh công bằng lành mạnh để tạo điều kiện cho nhà sản xuất kinh doanh chân chính phát triển. Bà Hạnh cũng đề xuất Nhà nước thực hiện những chính sách “đèn xanh” trong WTO là những chính sách hỗ trợ về thông tin, nghiên cứu thị trường, đào tạo và có những hỗ trợ thiết thực cho các DN nhỏ.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, trách nhiệm của Nhà nước là rất lớn trong hỗ trợ DN bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, để cơ quan nhà nước làm tốt hơn vai trò, nhiệm vụ của mình, DN phải làm rõ những quy định đang cản trở hoạt động kinh doanh bán lẻ để kiến nghị sửa đổi; bên cạnh đó DN cũng phải thay đổi cách sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình thị trường mới. Nếu tiếp tục đi theo lối mòn sẽ không thể cạnh tranh nổi với các nhà bán lẻ nước ngoài.
Theo Congluan.vn