Trước thực trạng này, “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đòi hỏi phải đi vào thực chất và cần sự chung tay của toàn xã hội.
Vì sao hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn đất sống?
Thực tế cho thấy, hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã len lỏi tới khắp mọi nơi, từ các mẹt hàng tạp hóa trên vỉa hè đến những siêu thị cao cấp; từ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tới những đô thị lớn nhằm thử thách độ sành sỏi của người tiêu dùng (NTD).
Hầu hết sản phẩm của các hãng có thương hiệu, uy tín, được NTD ưa chuộng trên thị trường thì đều bị làm giả, làm nhái. Chỉ riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, Cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra, xử lý tổng số 3.017 vụ, với số tiền xử lý lên tới 34,194 tỷ đồng, chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu hình sự sang cơ quan cảnh sát điều tra: 11 vụ. Gần đây nhất vào ngày 4/7, tại chợ đầu mối Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và thu giữ gần 3.000 sản phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng như: Kính mắt giả nhãn hiệu Dior, Chanel, Gucci; Đồng hồ giả nhãn hiệu Hublot; Quần áo giả nhãn hiệu Christion Dior, Nike, Adidas, Louis Vuiton... Các sản phẩm nhái bày bán với mức giá rất rẻ, chỉ từ vài trăm nghìn đồng cho một mặt hàng, trong khi sản phẩm chính hãng ở ngoài thị trường có giá từ vài chục tới vài trăm triệu đồng. Hay trước đó, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và tạm giữ để xử lý hơn 1 tấn nầm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ tại 2 điểm tập kết hàng hóa trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ.
Qua đó có thể thấy, mặc dù đã có sự vào cuộc hết sức quyết liệt của các cơ quan chức năng, tuy nhiên, vẫn như muối bỏ biển, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn đang diễn ra công khai và có xu hướng ngày càng gia tăng với quy mô ngày càng lớn và tinh vi hơn.
Lý giải về tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là do pháp luật còn nhiều kẽ hở, chế tài xử lý các hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, trong khi đó, cơ chế phối phợp thì chưa tốt, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác đấu tranh chống hàng giả như giám định, phân biệt hàng giả - hàng hàng thật còn thiếu và yếu… đã tạo điều kiện cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn đất sống.
Bên cạnh đó, việc phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng không hề dễ dàng đối với NTD khi mà các sản phẩm được làm giả ngày một tinh vi, giống hàng thật từ nhãn hiệu, kiểu dáng đến những chi tiết nhỏ nhất. Giữa “ma trận” đó, rất nhiều NTD lại không có đủ thông tin để phân biệt, cũng như chưa được trang bị kiến thức pháp luật nên có tâm lý e ngại, chọn cách bỏ qua khi mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng. Đó là chưa kể đến còn không ít NTD dù biết là hàng giả, hàng nhái nhưng vì ham giá rẻ nên vẫn mua và sử dụng những sản phẩm này mà không báo cho cơ quan chức năng và doanh nghiệp để xử lý. Đây chính là hành động gián tiếp tiếp tay cho nạn hàng giả, hàng nhái tồn tại trên thị trường.
Mặt khác, hiện nay, tuy đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về ngăn ngừa, hạn chế, truy cứu trách nhiệm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái… đã được ban hành, song hiệu lực thực thi của một số văn bản còn thấp do chưa được cụ thể hóa hoặc chưa theo kịp với những diễn biến phức tạp nảy sinh trong cuộc sống; chưa chú trọng đúng mức tới việc phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái…
Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Để chống lại tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, một trong những giải pháp quan trọng và có ý nghĩa then chốt đó là cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho NTD và doanh nghiệp.
Thực tế cũng cho thấy, công tác chống hàng giả, hàng nhái không thể đạt hiệu quả cao nếu không có sự tham gia, phối hợp của cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm kết hợp với việc hướng dẫn, chỉ rõ cho người tiêu dùng các thủ đoạn làm hàng giả cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa,… Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá và chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm nhãn hiệu. Cần tích cực hơn nữa trong việc liên kết, phối hợp để chống lại nạn hàng giả, hàng nhái.
Đối với người tiêu dùng, cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong “cuộc chiến” chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình mà còn chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước.
Có thể nói, với một nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập như nước ta, việc để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn vào thị trường sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của người dân và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhưng một khi có sự chung tay của mọi thành phần trong xã hội: doanh nghiệp sản xuất dứt khoát không làm hàng giả; cơ sở kinh doanh kiên quyết không bán hàng giả; người tiêu dùng không mua hàng giả; các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện các quy định pháp luật, phối kết hợp chặt chẽ, thực thi và xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe thì chắc chắn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ không có cơ hội tồn tại./.
Minh Vũ