Ở Hà Nội, không khó để nhận ra tình trạng sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng bị làm giả, làm nhái. Thủ đoạn sao chép nhãn hiệu, kiểu dáng, mẫu mã… đang ngày càng trở nên tinh vi hơn, gây ảnh hưởng lớn tới túi tiền, sức khỏe của người tiêu dùng cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Hồi đầu tháng 5, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất giày của Trần Văn Luyện (xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) và phát hiện hàng trăm đôi giày giả cùng 2 tấn nguyên liệu để sản xuất giày giả. Những thương hiệu nổi tiếng Converse, Vans, Thượng Đình... đều bị làm nhái. Ít ai biết được cái giá xuất xưởng cho những đôi giày này chỉ có 45 nghìn đồng.
Trước đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện xe tải của Trần Văn Luyện lưu thông trên Quốc lộ 1A đang chở 14 bao tải chứa 1.300 đôi giày giả nhãn hiệu giày Thượng Đình. Luyện thường giao hàng về lúc chập tối, đêm khuya để lẩn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Đối tượng này cũng thường xuyên sử dụng các số điện thoại khác nhau và mạng xã hội để giao dịch. Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Hà Nội cho hay, Luyện đã tổ chức sản xuất giày giả được khoảng 3 năm trong khu xưởng ở nhà riêng. Tại đây có khoảng 6 công nhân làm việc theo thời vụ. Các sản phẩm giày giả được Luyện giao bán cho các cửa hàng chuyên bán giày dép ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận ở phía Bắc.
Lực lượng chức năng cần mạnh tay hơn trong việc xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ
Điều đáng nói là khách hàng chỉ cần gửi ảnh về sản phẩm mẫu là Luyện có thể làm giả y hệt. Lực lượng chức năng cũng đã thu giữ những chiếc bảng in lưới tại hiện trường. Những chiếc bảng này được chế tạo hết sức thủ công nhưng bên trên có in rất nhiều nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng. Từ đây, các đối tượng có thể in logo, nhãn hiệu trên những miếng vải để sản xuất giày giả và thậm chí có thể in trực tiếp ra nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng.
Cuối tháng 6 mới đây, hơn 400 bộ khóa gạt, khóa nắm tay ghi nhãn hiệu Huy Hoàng cũng bị lực lượng chức năng phát hiện tại kho hàng và cửa hàng của Công ty TNHH và Dịch vụ thương mại Kiên Phương (thôn 3, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Số hàng hoá này có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu, giả mạo nhãn hiệu.
Chủ cơ sở cho biết đã mua số khóa này trôi nổi trên thị trường với giá 1 triệu đồng/thùng, chủ yếu bán cho người dân quanh vùng và các khu vực lân cận. “Khóa này mình mua trôi nổi trên mạng. Mua trên mạng thì chỉ biết giao hàng mua đứt bán đoạn. Mình cũng không nắm rõ là hàng giả, bản thân mình cũng không phân biệt được đây là hàng giả hay không”.
Hiện nay bất cứ mặt hàng nào cũng có nguy cơ cao bị làm giả, làm nhái. Điều đó thực sự đang gây ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính khác. Điều đáng nói là các hành vi vi phạm được thực hiện một cách tinh vi, có tổ chức, ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh và sản xuất của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Huy Cường, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay: “Hàng giả thì đương nhiên là giá và chất lượng cũng sẽ thấp hơn hàng chính hãng, hàng thật rất nhiều. Khi người tiêu dùng sử dụng thì sản phẩm hay bị hỏng hóc, xuống cấp, gây thiệt hại về kinh tế, chưa kể là các vấn đề sức khỏe”.
Cuộc chiến cam go chống hàng giả, hàng nhái hơn bao giờ hết đang cần sự vào cuộc kịp thời, đồng bộ và quyết liệt của cơ quan chức năng với những chế tài đủ mạnh, đủ tính răn đe. Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh chân chính cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ sản phẩm của mình bằng cách đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, nhằm trợ giúp tốt hơn cho các lực lượng chức năng phát hiện những vi phạm, gian dối, xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Phương Minh