Thứ Sáu, 22/11/2024 08:59:41 GMT+7
Lượt xem: 2754

Tin đăng lúc 09-11-2016

Cuộc đua cạnh tranh mùa kinh doanh Tết

Hàng hoá Tết 2017 được cho là sẽ tăng hơn các năm trước, và đây cũng là lúc diễn ra “cuộc đua” cạnh tranh khốc liệt giữa khối nội và khối ngoại trong nhóm ngành bán lẻ và nhóm hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống. Liệu các doanh nghiệp (DN) bán lẻ nội có vượt qua áp lực này?
Cuộc đua cạnh tranh mùa kinh doanh Tết
Trong cả năm thì mùa Tết luôn được các DN xem là thời điểm quyết định để mở rộng thị phần và tăng doanh thu.

17.068 tỷ đồng là tổng số nguồn vốn theo dự trù mà các DN ở Tp.HCM chuẩn bị sản xuất, dự trữ hàng hóa cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Đinh Dậu 2017. Số vốn này tăng 860 tỷ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị cho mùa tết năm ngoái.

 

Đối với tháng cao điểm (từ 29/12/2016 đến 27/1/2017), tổng giá trị hàng hóa DN Tp.HCM chuẩn bị gần 9.800 tỷ đồng; lượng hàng nhập vào các chợ bình quân trên 8.500 tấn/ngày, trong đó hàng nông sản, thịt gia súc, thủy sản, rau củ quả chiếm khoảng 70% số lượng hàng về chợ.

 

Mùa cao điểm

 

Sở Công Thương Tp.HCM cho biết dịp Tết Đinh Dậu 2017, các DN ở thành phố đã chuẩn bị lượng hàng tăng 15%-20% so với kế hoạch thành phố giao, các mặt hàng tăng 25%-45% so với kết quả thực hiện vào dịp Tết Bính Thân 2016.

 

Theo bà Trần Thái Hà, Quản lý cao cấp của Nielsen Việt Nam, đối với thị trường hàng tiêu dùng, mùa kinh doanh Tết chính là mùa cao điểm, sẽ rơi vào tháng 1, 2/2017. Để chuẩn bị cho Tết thì ngay từ quý II, III/2016, các nhà sản xuất đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng.

 

Bà Hà cho biết có 5 ngành hàng chủ đạo tiêu thụ chính trong mùa Tết 2017 ở Việt Nam. Theo thứ tự là bia, nước ngọt, cà phê, thuốc lá và bánh kẹo. Nếu trước Tết, mức độ đóng góp của các ngành hàng này chỉ chiếm 46% trong giỏ hàng của người tiêu dùng thì đến Tết sẽ tăng lên rất mạnh, đến 52%. Điều đó thể hiện rõ nhu cầu cho những ngành hàng đặc biệt trong dịp Tết.

 

5 ngành hàng này đều thuộc nhóm ngành hàng sản xuất chế biến thực phẩm và đồ uống – nhóm ngành chủ lực cho dịp Tết, mà như theo thống kê của Bộ Công Thương, tính chung 10 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất duy trì mức tăng trưởng khá.

 

Trong đó, ngành sản xuất đồ uống tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái; ngành thuốc lá tăng 4% so với cùng kỳ; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 9,2% so với cùng kỳ.

 

Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận định tiêu thụ nhóm ngành này thời gian qua còn chưa ổn định, mang tính mùa vụ cao. Đáng lo là áp lực cạnh tranh từ các nhà sản xuất nước ngoài ngày càng lớn.

 

Nhất là đối với ngành bia rượu nước giải khát, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có sự thay đổi cả về thuế suất và cách tính thuế đối với các sản phẩm của ngành. Còn đối với ngành thuốc lá, tình trạng nhập lậu vẫn còn diễn biến phức tạp… đã ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận và hoạt động của các DN trong ngành.

 

Nhìn lại các mùa Tết gần đây, chuyên gia của Nielsen cho rằng thông thường phần lớn thời gian đẩy hàng của nhà sản xuất vào các cửa tiệm sẽ bắt đầu từ tháng 11 bất kể Tết đến sớm hay muộn.

 

Nhưng đó cũng là mùa cao điểm của một số ngành hàng với mức độ cạnh tranh lớn. Nhất là khi các nhà bán lẻ nội địa vẫn tỏ ra thiếu tự tin trước việc là làm thế nào để tạo ra sự tăng trưởng mới trong bối cảnh người tiêu dùng có nhiều sự thay đổi với sự tác động từ các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

 

Áp lực từ khối ngoại

 

Cũng theo Bộ Công Thương, mặt bằng giá (CPI) của năm 2016 cao hơn nhiều so với mức bình quân của năm 2015 trong khi thu nhập chưa có nhiều thay đổi nên khả năng mua hàng của người dân khó có điều kiện được cải thiện.

 

Trong khi đó, một chủ DN thuộc lĩnh vực thực phẩm cho rằng đối với riêng ngành thực phẩm nói riêng cũng như ngành hàng tiêu dùng nói chung thì hầu như các DN nội địa nào cũng băn khoăn là nên dự kiến sức mua như thế nào.

 

Để củng cố niềm tin của người tiêu dùng nhằm tăng sức mua thì các DN nên sớm công bố không tăng giá trong dịp Tết để sẽ giúp người tiêu dùng an tâm, cũng như có những chương trình khuyến mãi, kích cầu.

 

Theo giới chuyên gia, đối với các DN nội địa, trong cả năm thì mùa Tết luôn được các DN xem là thời điểm quyết định để mở rộng thị phần và tăng doanh thu. Cho nên các DN đặt rất nhiều kỳ vọng vào mùa kinh doanh Tết 2017.

 

Tuy vậy, nỗi lo của các DN nội chính là tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng trong bối cảnh ngành bán lẻ ngoại đang tìm cách thao túng thị trường Việt Nam thông qua các kênh bán lẻ hiện đại như đại siêu thị, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.

 

Đơn cử như mặt hàng bánh kẹo, theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh, thị trường bánh kẹo năm nay đang có dấu hiệu nghiêng hẳn về hàng ngoại ngay từ phân khúc nhập khẩu đến các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Có thể quan sát tại một số siêu thị ở Tp.HCM như BigC, Lotte Mart, Aeon sẽ thấy các quầy bánh kẹo luôn đầy ắp các nhãn hàng từ Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Thái Lan, Malaysia, Indonesia…

 

Thông thường, bánh kẹo nước ngoài thường được trưng bày ở những vị trí tốt để khách hàng dễ quan sát và chọn lựa. Trong khi bánh kẹo Việt thường nằm ở những vị trí khiêm tốn, khách hàng khó quan sát hơn.

 

Không những vậy, các nhà bán lẻ ngoại luôn tỏ ra nhỉnh hơn về hàng hóa, mẫu mã, giá cả, các chương trình khuyến mãi đối với các nhóm ngành hàng hoá phục vụ Tết.

 

Có thể thấy, trong bối cảnh việc thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam của các tập đoàn phân phối nước ngoài đã bắt đầu từ hơn 10 năm nay dưới các mô hình khác nhau, dẫn đến việc gia tăng thị phần và chiếm lĩnh thị trường thì áp lực cạnh tranh với các nhà bán lẻ Việt Nam trong mùa Tết sẽ là một thách thức lớn.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang