Việt Nam đã phải đối mặt với một cuộc hành trình chuyển đổi kỹ thuật số đang tăng tốc và được xếp vào danh sách các quốc gia phát triển kỹ thuật số chỉ trong vòng ba năm. Việt Nam đã nhanh chóng tạo ra một loạt các sáng kiến mang tính chuyển đổi, từ việc triển khai thành phố thông minh tại các trung tâm đô thị của mình cho đến việc đưa ra các ứng dụng công nghệ mới 5G thương mại.
Hầu hết các mục tiêu này đều được thúc đẩy, hỗ trỡ và định hướng đổi mới bởi chính phủ để trở thành một quốc gia có nền thương mại điện tử phát triển hàng đầu như hiện nay. Trong tương lai, mục tiêu của thị trường trực tuyến Việt Nam tăng trưởng 25% mỗi năm và đạt doanh thu 35 tỷ USD vào năm 2025.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhà bán lẻ cũng đã tham gia vào thị trường này, thương mại điện tử Việt Nam đã trở nên đông đúc hơn nhiều so với chỉ hai năm trước đây. Với rất nhiều đối thủ cạnh tranh trực tuyến, tờ Financial Times báo cáo rằng, hai đối thủ nặng ký trong thương mại điện tử tại châu Á là Alibaba và Shopee, dự kiến sẽ nổi lên như những người dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh.
Shopee thuộc sở hữu của tập đoàn SEA, Singapore và đã mở rộng nhanh chóng tại Việt Nam trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát bằng cách cung cấp các dịch vụ giao hàng miễn phí và chi phí vận chuyển thấp. Thị trường trực tuyến đã thu hút hơn 62 triệu lượt truy cập hàng tháng tại Việt Nam trong quý 3 năm 2020, tăng hơn 80% so với một năm trước đó.
Việc giành thị phần nhanh chóng của nền tảng này đã tạo ra phản ứng từ Lazada do tập đoàn Alibaba hậu thuẫn, là một công ty thương mại điện tử lớn trong khu vực, một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số của Đông - Nam Á ước tính đạt 100 tỷ USD. Lazada đã hợp tác với Grab, một nhà cung cấp đa dịch vụ, trong đó có dịch vụ gọi xe hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử của mình tại Việt Nam.
Lazada sẽ khai thác các dịch vụ của Grab để hỗ trợ mạng lưới khách hàng và tài xế, hướng người dùng đến với dịch vụ giao đồ ăn của Grab. Ngoài ra, Lazada cũng sẽ sử dụng dịch vụ chuyển phát bưu kiện của Grab để vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng, nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ của mình và cạnh tranh trực tiếp với Shopee.
Chủ tịch Grab tại Việt Nam Ming Maa cho biết, “động lực đằng sau sự hợp tác là có thể đưa tất cả Grab đến với các đối tác thương mại điện tử của chúng tôi, hợp tác với một số dịch vụ địa phương để chúng tôi thực sự có thể tích hợp trải nghiệm của khách hàng và cung cấp các trải nghiệm phong phú hơn cho khách hàng của mình”.
Ngày càng có nhiều sở thích mua sắm trực tuyến trong giới trẻ có hiểu biết về công nghệ của Việt Nam, với tỷ lệ sử dụng thiết bị di động là 70%, cung cấp khả năng truy cập internet tốt hơn và sự gia tăng gần đây của bán lẻ trực tuyến và xu hướng thương mại xã hội của người tiêu dùng trẻ ở cả thành phố lớn và các vùng nông thôn của Việt Nam.
Thương mại điện tử được dự báo sẽ chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam trong vòng năm năm tới, với hai trung tâm kinh tế lớn là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ chiếm tới 50% chi tiêu trực tuyến của cả nước.
Theo Nhân Dân