Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, tại phiên thương lượng thứ hai tổ chức ngày 2/8/2016, với 13/14 phiếu đồng thuận (1 thành viên vắng mặt), chiếm 92,9% thành viên hội đồng thống nhất, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chính thức đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng từ 180.000 đồng - 250.000 đồng, bình quân tăng 7,3% so với năm 2016. Theo đó: Vùng 1 có mức lương tối thiểu là 3.750.000 đồng, tăng 250.000 đồng so với năm 2016; Vùng 2 có mức lương tối thiểu 3.320.000 đồng, tăng 220.000 đồng so với 2016; Vùng 3 có mức lương tối thiểu 2.900.000 đồng, tăng 200.000 đồng so với 2016; Vùng 4 có mức lương tối thiểu 2.580.000 đồng, tăng 180.000 đồng so với 2016.
Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Phạm Minh Huân đánh giá cao các bên đã đồng thuận trong việc thương lượng tiền lương tối thiểu vùng của năm 2017. So với năm 2016, việc tăng lương tối thiểu vùng năm nay đạt được sự đồng thuận cao của các bên, phương án chính thức được chốt sớm hơn một tháng. Cũng theo ông Huân, điều chỉnh lương tối thiểu vùng là căn cứ nâng cao đời sống của người lao động, song cũng cần chia sẻ để chi phí không quá sức đối với doanh nghiệp.
Đại diện người lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tich Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa hài lòng với kết quả tăng lương tối thiểu vùng này do đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn. Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng là 11%. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI - đại diện giới sử dụng lao động, đây là sự nỗ lực, chia sẻ của giới sử dụng lao động, bởi vì, hiện nay tình hình kinh doanh đã có bước phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Doanh nghiệp cũng cần thêm điều kiện để cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động và đặc biệt là khả năng chi trả theo yêu cầu tăng lương tối thiểu. VCCI đồng thuận với mức tăng lương bình quân 7,3% trong năm 2017.
Trước đó, tại phiên họp lần thứ nhất diễn ra vào trung tuần tháng 7, Hội đồng Tiền lương quốc gia từng xem xét đề xuất mức tăng lương tối thiểu thêm 11% với 4 vùng (tương đương 250.000-400.000 đồng một tháng), cao hơn khá nhiều phương án "chốt" cuối cùng. Mức đề xuất này dựa vào kết quả khảo sát lương tối thiểu hiện nay mới đáp ứng được 80% nhu cầu sống của công nhân, chỉ 8% người lao động có tích lũy, cũng như tình hình kinh tế, khả năng mở rộng và phát triển của doanh nghiệp... Tuy nhiên tại phiên thứ nhất này, các bên chưa có được tiếng nói chung.
Sắp tới, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chính thức phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017.
Nguồn: Báo Công Thương điện tử