Sáng 5/6 vừa qua, hàng loạt địa phương ở miền bắc ghi nhận tình trạng sấm sét, đáng chú ý, có một người ở Thanh Trì (Hà Nội) bị sét đánh khi đang đi cắt rau ngoài đồng và hiện đang nguy kịch.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á - một trong ba tâm dông trên thế giới, có hoạt động dông sét mạnh. Mùa dông ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 4, kết thúc vào tháng 10, dông thường xảy ra sau những ngày nắng nóng.
Tuy công tác tuyên truyền về cách phòng tránh đã được các cơ quan chức năng tăng cường thời gian qua, nhưng hầu như năm nào cũng có những chuyện đáng tiếc xảy ra do người dân còn chủ quan và chưa biết đến những kiến thức cơ bản về phòng tránh sét, nhất là khi đang ở ngoài trời khi có hoạt động sét. Các kiến thức này tuy đơn giản, nhưng khi không biết hoặc chủ quan có thể dẫn đến những thiệt hại khôn lường như các vụ sét đánh xảy ra liên tiếp vừa qua.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo, khi trời sắp xảy ra dông, biện pháp tránh sét tốt nhất là nên về nhà. Chỗ an toàn để tránh sét là tòa nhà, hay công sở có lắp đặt hệ thống chống sét (đơn giản nhất là cột thu lôi Franklin).
Khi ở trong nhà thì nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại bàn, trừ trường hợp rất cần thiết. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông gần xảy ra.
Với các đường dây điện thoại bàn hay dây điện, vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m. Vô tuyến nối với dây anten để ngoài trời cũng rất cần rút ra khi có dông.
Khi làm việc ngoài trời, người dân cần để ý trước các nơi có thể trú mưa và tránh sét an toàn. Thường thì cơn dông kéo đến rất nhanh trong vòng 15 phút và di chuyển với vận tốc 40km/giờ, do đó, phải tính được thời gian từ chỗ làm việc đến nơi an toàn. Trước cơn dông thường có các dấu hiệu báo trước như mây đen, không khí lạnh, gió. Khi sét xảy ra, thoạt tiên ta thấy tia chớp lóe lên và sau đó là có tiếng sấm kèm theo. Sét có thể đánh cách xa nơi có mưa tới 15-20km.
Trong trường hợp ở ngoài trời, không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, người dân tuyệt đối không trú mưa dưới cây, nếu chung quanh có cây cao hơn thì nên tìm vị trí có cây thấp; người ở vị trí càng thấp càng tốt; tránh trú mưa ở các khu vực cao hơn xung quanh; không đứng thành nhóm người gần nhau, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, máy, hàng rào sắt... Các vùng đỉnh núi hay sườn núi nhô cao cũng rất nguy hiểm. Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh. Ra ngay khỏi những nơi chứa nước như bãi biển, ao, hồ, mương.
Việc tìm vị trí thấp hơn chung quanh để trú mưa nhằm tránh việc bị sét đánh trực tiếp vào người là rất quan trọng. Thông thường khi khi bị sét đánh trực tiếp thì khả năng tử vong là rất cao, do dòng sét chạy chủ yếu qua người.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh, không có vị trí an toàn tuyệt đối để tránh sét, nhưng việc chủ động đề phòng tránh sét tìm nơi an toàn hơn có thể làm giảm đáng kể khả năng bị sét đánh. Hiện nay, công nghệ quan trắc sét đã có nhiều tiến bộ có thể theo dõi sét theo thời gian thực, các mô hình cảnh báo sét sớm có thể sử dụng để thông báo cho người dân trước từ 30 phút đến 1 giờ thông qua tin nhắn, các ứng dụng di động, qua mạng để người dân có kế hoạch phòng, tránh.
Các chuyên gia khuyến cáo, hệ thống cảnh báo sét sớm này nên được lắp đặt ở những nơi trọng điểm, nơi có các hoạt động ngoài trời như bãi tắm, làm đồng, vui chơi, thể thao ngoài trời, đặc biệt là nơi xảy ra dông sét nhiều, lắp đặt ở các khu công nghiệp, nhà máy có nhiều thiết bị điện, điện tử, công trình có khả năng bị cháy nổ do sét để phòng, tránh sét, bảo vệ thiết bị, máy móc an toàn…
Theo Nhandan.vn