Xuất khẩu gặp khó
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, khiến hàng loạt doanh nghiệp (DN) ngành gỗ trong nước gặp khó. Đặc biệt, trên thị trường nhập khẩu đang có những thay đổi, nên việc xuất khẩu dăm gỗ của các DN ở khu vực miền Trung đang đứng trước những thách thức, cần sớm được tháo gỡ.
Lâu nay, xuất khẩu dăm gỗ là một trong những mặt hàng thế mạnh ở các địa phương trong khu vực duyên hải miền Trung, do có nhiều lợi thế về nguồn cung nguyên liệu. Chỉ tính riêng tại Quảng Ngãi, trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu dăm gỗ đã có hơn 20 DN tham gia. Bởi vậy, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát cho đến nay, Quảng Ngãi cũng là địa phương có nhiều DN chế biến, xuất khẩu dăm gỗ gặp khó khăn. Theo số liệu của cơ quan chức năng địa phương, hiện sản lượng xuất khẩu dăm gỗ của tỉnh khoảng 1,4 triệu tấn/năm, trong đó có đến 80% xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc. Tuy nhiên, tại thị trường này lại đang gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, hạn chế đến việc nhập khẩu các sản phẩm dăm gỗ. Đơn cử, dịch bệnh Covid-19 làm cho các công ty sản xuất giấy, bột giấy tại quốc gia này đã phải ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dăm gỗ của các DN Việt Nam.
Theo đại diện Công ty TNHH Thương mại sản xuất và dịch vụ Tân Thành Phú (Quảng Ngãi), bấy lâu nay thị trường xuất khẩu dăm gỗ chính của công ty là Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây do những tác động của dịch Covid-19 nên các DN ở Trung Quốc cũng hoạt động theo kiểu cầm chừng. Nhu cầu về nguyên liệu dăm gỗ của các đối tác cũng không cao. Bởi vậy, rất khó để phát triển các hợp đồng mới. Bên cạnh việc xuất khẩu khó khăn, thì trên thị trường giá của mặt hàng dăm gỗ cũng đang có dấu hiệu giảm xuống. Năm 2019, mỗi tấn gỗ dăm xuất khẩu giá khoảng 126 USD, đến quý I/2020 giảm xuống chỉ còn 120 USD/tấn, điều này càng khiến nhiều DN ở địa phương thêm nản. Tại Quảng Ngãi, năm 2019, sản lượng dăm gỗ thông qua khu vực cảng Dung Quất đạt 2,7 triệu tấn, dự báo năm 2020 chỉ còn khoảng hơn 2 triệu tấn.
Tương tự như Quảng Ngãi, ở khu vực duyên hải miền Trung nhiều DN chế biến, xuất khẩu dăm gỗ ở Bình Định hay Khánh Hòa cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do xuất khẩu ách tắc. Đơn cử, tại Khánh Hòa mỗi tháng các DN xuất khẩu khoảng 30 nghìn tấn dăm gỗ, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Song, đến thời điểm này con số này đã giảm xuống còn khoảng một nửa, do sức mua yếu ở thị trường nhập khẩu... Sự sụt giảm nghiêm trọng lượng dăm gỗ xuất khẩu đang và sẽ tiếp tục tác động tiêu cực, không chỉ với các DN xuất khẩu trong khu vực, mà còn tác động đến hàng trăm nghìn hộ gia đình, bao gồm nhiều hộ dân, nguồn lao động chính cho ngành dăm gỗ và hàng trăm nghìn lao động khác tham gia các khâu của chuỗi cung ứng.
Chuyển hướng thị trường
Có thể nói, tại thị trường Trung Quốc không chỉ đến thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát các DN chế biến, xuất khẩu dăm gỗ Việt Nam cũng như tại khu vực miền Trung mới gặp khó. Bởi, sau thời kỳ hoàng kim của ngành chế biến xuất khẩu dăm gỗ trong nước, từ năm 2016 các DN trong nước đã bắt đầu gặp khó ở thị trường này. Đầu tiên do giá dầu thế giới giảm mạnh khiến chi phí vận tải giảm theo, nhiều quốc gia cung cấp dăm gỗ ở châu Phi, châu Mỹ, châu Úc đã có thể vươn đến thị trường Trung Quốc. Sự xuất hiện cùng lúc của nhiều “đối thủ” khiến dăm gỗ Việt Nam mất đi vị thế độc tôn. Trong khi đó, về chủ quan của các DN xuất khẩu gỗ dăm, sự phát triển ồ ạt đã khiến xảy ra tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Có thời điểm các nhà máy chế biến dăm gỗ mọc lên như nấm sau mưa ở khu vực miền Trung, bất chấp những cảnh báo từ các cơ quan chức năng.
Dự báo xuất khẩu dăm gỗ của các DN sẽ còn gặp khó khăn hơn trong thời gian tới. Bởi vậy, việc tìm hướng để thoát khỏi những khó khăn đang được các cơ quan chức năng lẫn từng DN gấp rút thực hiện. Phương án đầu tiên đang được ngành chế biến, xuất khẩu dăm gỗ ở miền Trung tổ chức thực hiện là việc tránh phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống như hiện nay. Trên thực tế, các DN đang nỗ lực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới như, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản... để giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong đó, Nhật Bản đang nổi lên như là một thị trường tiềm năng cho ngành chế biến, xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam. Tại khu vực miền Trung, thời gian gần đây cũng đã có DN xâm nhập được vào thị trường này, với nhiều kết quả khả quan, mặc dù yêu cầu về chất lượng sản phẩm có khắt khe hơn.
Bên cạnh, việc chuyển hướng thị trường, đại diện nhiều DN cũng mong muốn các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện hỗ trợ các DN đầu tư dây chuyền, chế biến sâu các sản phẩm thay vì xuất khẩu dăm thô như hiện nay. Bởi về lâu dài, trong bối cảnh xu hướng giảm nhu cầu dăm gỗ trên thị trường thế giới chưa có dấu hiệu chững lại, để thoát khỏi những khó khăn đang bủa vây, các DN cần có những chuyển hướng để thích nghi hơn với thị trường. Cụ thể, các DN có thể chuyển sang sản xuất gỗ MDF, hoặc viên nén năng lượng tái tạo (viên nén gỗ). Đây là hai nhóm ngành được đánh giá có thị trường tương đối mở trong thời gian đến. Trong đó, viên nén năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng tái tạo có nguồn gốc sinh học, được dùng làm chất đốt trong sản xuất công nghiệp và dân dụng. Hiện, các nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, châu Âu... nhu cầu sử dụng loại nguyên liệu đốt này đang phát triển mạnh và ngày càng tăng cao.
Theo Thời Báo Ngân Hàng