Chủ Nhật, 24/11/2024 01:30:30 GMT+7
Lượt xem: 1083

Tin đăng lúc 23-08-2021

Đã kết nối hơn 1.200 đầu mối cung cấp nông sản tại miền Nam

Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT tại miền Nam (Tổ công tác 970) cho biết, Tổ đã kết nối cung cầu để tiêu thụ nông sản với 1.201 đầu mối.
Đã kết nối hơn 1.200 đầu mối cung cấp nông sản tại miền Nam
Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT tại miền Nam đã kết nối cung cầu để tiêu thụ nông sản với 1.201 đầu mối. Ảnh minh họa

Cụ thể, các đầu mối được Tổ công tác 970 kết nối gồm rau củ 332 đầu mối, trái cây 311 đầu mối, thủy hải sản 431 đầu mối, lương thực 73 đầu mối, các mặt hàng khác 53 đầu mối. Đặc biệt, đơn hàng rau củ 500 tấn đã có khách hàng. Tổ công tác đang liên kết với các tỉnh triển khai kết nối từ 23/8.

 

Rút kinh nghiệm từ việc kết nối mua nông sản để thực hiện chương trình tặng 15.000 phần quà cho công nhân lao động các tỉnh đang lưu trú tại TPHCM, Tổ công tác 970 đã thí điểm thành công "gói combo kết hợp trên 5 loại nông sản tổng trọng lượng 10 kg/túi đồng giá 100.000 đồng/túi" (các nông sản có giá rẻ cần đầu ra cho nông dân, dễ vận chuyển, ít hư hỏng như khoai lang, khoai môn nhỏ, sắn, khóm, chanh, củ cải trắng, dưa leo và một số loại rau củ, trái cây khác).

 

Qua báo cáo từ các tỉnh gửi về Tổ công tác 970 và thông tin của Bộ Công Thương, diễn biến thị trường đã có nhiều dấu hiệu tích cực. Từ sau khi có giải pháp chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại cuộc họp ngày 7/8 với 19 Sở NN&PTNT các tỉnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, giá lúa tươi hiện nay tại các địa phương ĐBSCL đã có xu hướng tăng trở lại sau khi giảm sâu ở thời điểm cuối tháng 7.

 

Tình hình tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL có khá hơn do các tỉnh tích cực tháo gỡ để doanh nghiệp, thương lái đẩy mạnh công tác thu mua. Các địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho việc bố trí nhân công, phương tiện thu hoạch lúa; áp dụng phân vùng xanh, vàng, đỏ cho mức độ nguy cơ dịch bệnh COVID-19; phối hợp trong việc điều phối máy gặt đập liên hợp giữa các tỉnh cho diện tích lúa đến thời điểm thu hoạch. Nhiều tỉnh đã có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp, những người tham gia khâu lưu thông hàng hóa được tiêm vaccine, tạo điều kiện kết nối thương lái, doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân.

 

Đối với cây ăn quả, vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều đến thu mua và tiêu thụ do thiếu nhân công thu hoạch nên tiến độ thu mua chậm, một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến giá bán trái cây thấp.

 

Cũng theo báo cáo từ Tổ công tác 970, giá thị trường sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đang giảm. Cụ thể, giá thịt lợn hơi 50.000-54.000 đồng/kg (giảm 15,2-15,9% so tháng trước), thịt gà siêu thịt công nghiệp phổ biến thấp dưới 10.000 đồng/kg, thịt gà lông màu nuôi ngắn ngày khoảng 25.000-28.000 đồng/kg (giảm 19,1-19,2%). Với việc giảm mạnh cầu do giãn cách xã hội, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn cho các sản phẩm từ lợn và gia cầm trong 1-2 tháng tới. Trong khi đó, giá ngô vẫn duy trì ở mức cao càng làm cho người chăn nuôi khó khăn. Tổ công tác đưa ra nhận định, chỉ khi các địa phương, nhất là thành phố lớn, kiểm soát được COVID-19, việc thông thương thuận lợi hơn thì giá gia cầm mới hồi phục trở lại.

 

Về thị trường thủy sản, giá tôm xuống thấp trong tuần trước bắt đầu tăng trở lại, tuy thấp hơn những tháng trước nhưng không khác biệt so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do các địa phương (Cà Mau, Sóc Trăng...) đã quan tâm tháo gỡ khó khăn tại nhà máy chế biến thủy sản, hình thành vùng xanh, cho phép công nhân được ở nhà và đưa đón đến nhà máy (tại Cà Mau, công suất chế biến đã tăng lên 80% so với khi chưa có dịch).

 

Tổ công tác đưa ra lưu ý hiện giá cá tra giống rất thấp (21.000-23.000 ₫ồng/kg); giá cá tra thương phẩm thấp kéo dài (khoảng 21.000 đồng/kg); giá tôm xuống thấp gần đây nên không kích thích tái sản xuất, nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu cuối năm.

 

Theo Vietq.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang