Trong đó, phải kể đến:
Món ốc: Ốc nổi tiếng béo vàng thường được mua từ vùng đất chiêm trũng (Thái Bình, Nam Định), ốc được rửa sạch hết bùn đất, rồi ngâm tiếp với nước vo gạo nếp đặc sánh để có mùi thơm. Qua vài ba lần ngâm, thay nước vo cho đến khi ốc nhả hết nhớt bẩn và hương thơm của gạo ngấm vào thịt ốc thì vớt ốc ra để ráo nước. Hòa nước mưa trong với vài lòng đỏ trứng gà để thành làn trắng đục như sữa (không dùng lòng trắng trứng vì sẽ làm ốc thêm nhớt và tanh), thả ốc vào nuôi. Dăm ba ngày sau, khi ốc đã béo, vớt ốc ra rửa sạch, để ráo nước. Quết lớp mỡ heo mỏng lên trên bề mặt chiếc mâm đồng, nhấc từng chú ốc khỏi rổ đưa lên mâm. Vậy là ốc thỏa sức bò theo đàn trên lớp mỡ, mỡ ngấm vào da thịt ốc. Vài giờ sau, đầu bếp cho ốc lên chõ hấp với củ sả, lá bưởi, vài lát gừng, dăm hạt muối. Giữa mùa đông xứ Bắc, được thưởng thức món ốc nhồi hấp nóng bỏng, béo vàng, giòn sựt, ngọt, thơm mùi nếp chấm với nước mắm chua ngọt cay xè bởi lớp gừng, ớt, tỏi, sả băm nhỏ và lá chanh thái sợi thì thực khách dù khó tính đến mấy cũng phải trầm trồ khen ngon.
Sau khi lễ Phủ Tây Hồ, còn gì tuyệt bằng giữa cái se lạnh của mùa thu được ngồi thả chân sát mép hồ, phóng tầm mắt ngắm những chiếc thuyền câu nhỏ xíu, thấp thoáng xa xa, vừa thưởng thức món bánh tôm ròn tan, thơm phức và tô bún ốc nóng bỏng, béo ngậy. Những chú ốc nhồi to ngon nhất được vớt lên từ Hồ Tây, được chế biến trở nên ròn sựt nằm cuộn mình xen lẫn trong mầu xanh của hành lá, mầu tím biếc của tía tô, màu đỏ lựng của cà chua đặt trên những cọng bún trắng ngần chìm ngập giữa lớp nước dùng sóng sánh. Bún ốc Hồ Tây đậm đà mà không mặn, chua mà không gắt, thơm mà không ngán. Mỗi một nhà hàng lại có một bí quyết riêng của mình, nhưng tựu lại thì bát bún cũng là nơi hội tụ những sản vật nổi tiếng đất Hà Thành như: Bún Thanh Trì; ốc Hồ Tây; rau thơm đất Láng và đặc biệt không thể thiếu thứ gia vị chủ đạo - dấm bỗng. Thêm một chút ớt khô đã được nhà hàng chưng qua hành mỡ thì cho dù đang rùng mình bởi cái lạnh từ gió hồ mang đến, mà lại được sưởi ấm bằng tô bún ốc nóng rẫy, thơm ngậy thì còn gì bằng.
Thật thiếu sót khi nói tới món ngon Hà Nội mà quên món chả cá Lã Vọng (CCLV). Trời thu lành lạnh, được ngồi bên bếp than rực hồng, nhấp ngụm rượu làng Vân cay nồng, khẽ xuýt xoa vì miếng chả cá nóng bỏng, vàng ươm, rồi ngắm phố cổ Hà Nội về đêm là cái thú của không ít người Hà Nội sành ăn. Ngồi quán CCLV cả trăm năm tuổi, khiêm tốn ẩn mình trong số nhà 14 phố Chả Cá - nơi làm nên tên tuổi cho món ăn đặc sản nổi tiếng, phải là khách quen hoặc đã được giới thiệu từ trước, thật tinh ý mới phát hiện ra ngôi quán nhỏ nằm lọt giữa trung tâm buôn bán, sầm uất. Không bảng hiệu, không người chào mời, bắt khách tấp nập mà chỉ có bức tượng gỗ cổ hình ông già Lã Vọng tay cầm cần câu cá đã lên lớp sơn đen bóng nhuộm màu thời gian thay cho lời chào mời, đon đả.
Từ những chú cá lăng béo vàng, tươi rói nặng dăm bảy, thậm chí cả chục ký lô, qua bàn tay tài hoa của người đầu bếp, chỉ sau dăm phút hai mảng thịt chắc nịch, nõn nà đã được lấy ra từ hai bên mình cá. Lọc bỏ hết da, xương răm, thịt cá được chế thành từng miếng to cỡ chừng 5-6 cm, ướp với bột nghệ, sả, hành khô băm nhỏ, chút bột ngọt, tiêu, tỏi, thêm vài giọt nước mắm nguyên chất..., đợi khoảng 20 phút cho cá ngấm gia vị, xếp vào vỉ đưa lên nướng sơ trên bếp than hồng. Khi cá chín tỏa mùi thơm ngào ngạt thì gỡ vỉ xuống, dỡ cá ra đưa ngay vào chảo dầu sôi, thêm nhiều củ hành lá đã được chẻ mỏng cùng với rau thì là cắt khúc. Giờ thì thực khách gắp cá và hành, thì là trong chảo dầu đang reo sôi ăn cùng với rau sống, bún và nước mắm tỏi ớt chua ngọt.
Bánh Cốm Hàng Than
Hà Nội, vào thu - mùa cưới đến cũng là mùa cốm mới, cốm làng vòng - sản vật được đất trời ưu ái chỉ dành riêng cho Hà Nội. Từ những hạt lúa nếp non xanh mướt dưới bàn tay người thợ, những hạt cốm thơm ngát như những hạt ngọc nhỏ sẽ được chế biến thành từng chiếc bánh xinh xinh, vuông vắn, bánh cốm bé nhỏ là vậy nhưng lại là sản vật không thể thiếu trong lễ vật nhà trai mang tới nhà gái trong dịp lễ hỏi thiêng liêng, trang trọng. Giờ đây, không chỉ cưới, hỏi, giỗ chạp mà bất kỳ khi nào: Đi chơi, hay công tác, chiếc bánh cốm luôn được người Hà Nội lựa chọn làm quà tặng người thân, bạn bè. Ấy vậy, số người hiểu nguồn gốc và biết mua bánh tại chính hãng - nơi làm nên tên tuổi sản vật này thì họa chăng có dăm ba người trong số cả trăm thực khách. Ngoài những cơ sở nhỏ lẻ nằm rải rác khắp Hà Nội, thì phố Hàng Than từ lâu được coi là phố bánh cốm, bởi từ ngã tư hàng Giấy - Phan Đình Phùng đến cuối dốc Hàng Than có đến cả trăm hàng bánh cốm ứng với cả trăm thương hiệu khác nhau. Nhưng chỉ những người Hà Nội gốc am hiểu và sành ăn mới biết tới và trở thành khách quen của căn nhà cổ nằm khuất cuối phố sát chân dốc Hàng Than.
Không cửa hiệu to lớn, bề thế, không bảng hiệu rực rỡ, không hàng hóa trưng bày tràn lan, chỉ có chiếc tủ kính nhỏ bé dùng bày hàng mẫu đặt sâu phía trong phòng khách (nơi giao dịch, bán hàng). Đứng trong căn phòng rộng lớn, bên chiếc sập gụ và tủ chè cổ được dùng làm bàn thờ, chính giữa nơi trang trọng nhất là bức ảnh cụ bà Nguyên Ninh - chủ thương hiệu bánh cốm đầu tiên của Hà Nội: Cả người bán lẫn người mua chẳng ai bảo ai đều nói năng nhỏ nhẹ, đi lại khẽ khàng, lịch sự. Ít ai biết được cụ bà Nguyên Ninh chính là người nắm giữ công thức sản xuất và là chủ hiệu bánh cốm đầu tiên của Hà Nội và cũng chính cụ là người đã truyền nghề cho các gia đình trên phố, để giờ đây không ít người đã có sản nghiệp đồ sộ từ nghề làm bánh cốm.
Cũng là chiếc bánh nhưng bánh cốm Nguyên Ninh đầy đặn, dẻo, thơm hương cốm, ngọt bùi vị sen trần, khác hẳn với những hãng bánh khác, bởi quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt được đề ra từ thời cụ Nguyên Ninh đến nay là thế hệ thứ tư vẫn được con cháu cụ tuân thủ nghiêm túc: Bánh chỉ được xào khi có khách mua, bánh chỉ được sử dụng trong vòng 3 ngày, sau 3 ngày dù bánh còn ngon vẫn phải hủy bỏ, thời hạn sử dụng in chính xác, rõ ràng trên bao bì và dặn dò khách cẩn thận. Thầm cảm phục cho cái tâm của vị tiền bối, từ đó mà tên tuổi của nhà bánh qua cả trăm năm vẫn được người Hà Nội nhắc tới từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hèn chi, bánh cốm Nguyên Ninh làm ra không đủ bán, mua ít còn có ngay, chứ mua cho đám hỏi phải đặt trước cả tháng trời (nhất là vào mùa cưới).
Hà Nội - mảnh đất kinh kỳ, với hàng trăm di tích ngàn năm tuổi, cùng sản vật phong phú và một nền ẩm thực đặc sắc... Tất cả cứ lặng lẽ tồn tại, âm thầm cống hiến, góp phần làm giầu thêm bản sắc Hà Nội - một Thủ đô thanh lịch, tinh tế, trang nhã mà không kém phần hiện đại.
Anh Thư