Theo đó, mức độ sẵn sàng thay đổi hành vi cũng thay đổi rõ rệt khi 55% người tiêu dùng cho biết tính bền vững là yếu tố rất quan trọng, hoặc cực kỳ quan trọng khi lựa chọn thương hiệu; 62% người tiêu dùng cũng sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường, nhằm đảm bảo cuộc sống an toàn, nhất là trong thời buổi đại dịch.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có dữ liệu chính thức về chuyển đổi nhận thức của người tiêu dùng về các giá trị bền vững sau sự xuất hiện của dịch bệnh, nhưng có thể thấy, tiêu dùng bền vững đang ngày càng được quan tâm hơn trong cộng đồng người tiêu dùng và cả doanh nghiệp Việt. Đặc biệt, sự kiện Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Kinh doanh lành mạnh – Tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới” đã thúc đẩy mạnh mẽ các giá trị bền vững trong chính sách sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như trong tiêu dùng hàng ngày của người tiêu dùng.
Cụ thể, thời gian qua, đại dịch đã thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm có kế hoạch, có chủ đích và chuyển sang tiêu dùng bền vững, hợp lý. Đặc biệt, người tiêu dùng đang chuyển hướng sang ưu tiên tiêu chí “tiện” - “bảo vệ môi trường” khi mua hàng trong bối cảnh hiện nay. Đó là việc đặt hàng trên thiết bị di động, công nghệ, giao hàng tận nơi và thanh toán không tiền mặt, hạn chế tiếp xúc, sử dụng đồ an toàn với môi trường, sạch sẽ, hữu cơ…
Hà Đăng