Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan, HAGL cho biết kể từ năm 2008, Tập đoàn này đã được cấp phép triển khai thực hiện 06 dự án trồng cao su trên đất rừng nghèo thuộc tỉnh Gia Lai với tổng diện tích 3.727 ha, trong đó đất có rừng là 3.419,8 ha, đất chưa có rừng là 344,9 ha tại 3 huyện: Ia Pa, Chư Prông và Chư Pảh.
Rừng chết hàng loạt
Ông Nguyễn Trường Sơn – Tổng Giám đốc HAGL cho biết: Trong quá trình triển khai dự án, HAGL đã thực hiện đúng và đảm bảo quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cao su, thực hiện các biện pháp thâm canh, áp dụng kỹ thuật mới vào chăm sóc cải tạo vườn cây, nhưng đến hết chu kỳ cơ bản, vườn cao su vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để đưa vào khai thác và có dấu hiệu dừng sinh trưởng và liên tục chết rải rác. Tổng thể đối với 06 dự án cao su của HAGL nêu trên, phát triển kém và chết, không đủ điều kiện khai thác mủ với diện tích 1.401 ha, chiếm 37,5% tổng diện tích trồng cao su toàn dự án.
Để tìm hiểu nguyên nhân sự việc, HAGL đã thuê Viện khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Tây Nguyên điều tra, đánh giá. Theo kết quả điều tra đất bước đầu, nguyên nhân cây cao su bị chết, sinh trưởng phát triển kém là do cây cao su trồng trên đất rừng khộp nghèo, điều kiện thổ nhưỡng biến thiên cục bộ, không ổn định, đất bị giới hạn bởi tầng canh tác, tầng đất mỏng, bị sét nặng hay còn gọi là sét biến tính, kết von cứng chặt trong mùa nắng; nhưng lại ngập úng kéo dài trong mùa mưa. Việc trồng thử nghiệm một số loài cây rừng khác vẫn bị chết nhanh, kém phát triển, không đạt được kết quả tốt.
Do khó khăn trong việc trồng cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai nên hiện nay, HAGL cũng như nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn đang gặp khó khăn trầm trọng trong sản xuất kinh doanh, hiệu quả đầu tư của dự án không đảm bảo nên không có khả năng thu hồi để hoàn trả vốn đã đầu tư.
Ông Trương Phước Anh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết nguyên nhân của việc một số diện tích trồng cao su trên địa bàn bị chết và kém phát triển do nguyên nhân biến đổi khí hậu, thay đổi thổ nhưỡng và hạn hán kéo dài. Việc các doanh nghiệp xin chuyển đổi từ trồng cao su sang cây ăn trái là hợp lý vì sẽ giúp tháo gỡ khó khăn về kinh tế cho doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm mới đặc trưng cho địa phương, giúp tăng thu ngân sách và tạo công ăn việc làm.
Giải pháp từ cây ăn trái
Ông Nguyễn Trường Sơn – Tổng Giám đốc HAGL cho biết: Để tìm ra giải pháp khắc phục, thời gian qua HAGL đã chủ động trồng thử nghiệm một số loại cây ăn trái như: xoài, mít, thanh long trên diện tích cây cao su bị chết, đến nay cây phát triển tốt và đã cho ra hoa kết trái, tạo doanh thu đáng kể cho HAGL.
Đại diện chuyên môn của HAGL cho biết: Chu kỳ của cây cao su khá dài từ khi bắt đầu trồng đến khi thu hoạch được khoảng 8 năm. Hiện giá thành phẩm cao su trên thị trường cũng xuống rất thấp chỉ khoảng 1000 USD/tấn, bằng hơn một nửa so với năm 2017. Nếu tính giá thành so với chi phí hiện mỗi tấn sản phẩm cao su HAGL lỗ khoảng 30%. Trong khi nếu trồng cây ăn trái thì chu kỳ thu hoạch của Xoài chỉ là 5 tháng, của Thanh Long là 2 tháng và của Mít là 17 tháng. Với giá bán 30 ngàn đồng/kg thanh long, 17 ngàn đồng/kg xoài thì nếu tính hiệu quả hiện lợi nhuận mỗi ha cây ăn trái sẽ cao gấp 11 lần mỗi ha cao su trong giai đoạn năm 2017.
Tổng Giám đốc HAGL cho biết thêm: Việc chuyển đổi từ diện tích trồng cao su sang trồng cây ăn trái đã được HAGL tiến hành hàng loạt tại Lào đã giúp Tập đoàn này từng bước vượt qua khó khăn, tạo công ăn việc làm, có lãi để trả nợ ngân hàng.
Dựa vào tình hình thực tế tại dự án, đồng thời trên cơ sở kết quả khảo sát của đơn vị tư vấn, để tránh tình trạng lãng phí tài nguyên đất đồng thời tạo dòng tiền cho doanh nghiệp, Tập đoàn HAGL kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Gia Lai xem xét chấp thuận chủ trương và cho phép HAGL trồng cây nông nghiệp khác như (xoài, mít, thanh long) trên phần diện tích đất cây cao su bị chết và kém phát triển. Đối với diện tích cây cao su đang phát triển bình thường, HAGL tiếp tục đầu tư chăm sóc nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về kinh tế cho doanh nghiệp bằng hình thức miễn, giảm nghĩa vụ trồng rừng thay thế
Được biết, hiện ngoài Tập đoàn HAGL, hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn có nhiều doanh nghiệp lớn khác như: Tập đoàn Đức Long – Gia Lai, Doanh nghiệp Quang Đức và nhiều doanh nghiệp khác cũng đang lâm vào tình trạng như HAGL với tổng diện tích lên đến hàng ngàn ha. Các Doanh nghiệp này đã có đơn xin chuyển đổi đất trồng cây cao su sang trồng cây ăn trái.
Theo Enternews