Thi đua là yêu nước
Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chào mừng các đại biểu về dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ II. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trong những năm qua, đã có hàng trăm phong trào thi đua được ngành Công Thương tổ chức phát động và triển khai sâu rộng tới từng cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành. Thông qua các cuộc vận động và các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sỹ thi đua, các tấm gương điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung.
Thực hiện Chỉ thị số 725/CT-TTg ngày 17/5/2011của Thủ tướng Chính phủ về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XI của Đảng, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương và Công đoàn Công Thương Việt Nam đã ban hành Chỉ thị về tổ chức phong trào thi đua. Đây là cơ sở để các cơ quan, đơn vị trong ngành Công Thương đăng ký, giao ước thi đua, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao cho Bộ Công Thương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu tại Đại hội
Trong 5 năm qua, theo thống kê của Công đoàn Công Thương Việt Nam, toàn Ngành đã có trên 100.000 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi hơn 20.000 tỷ đổng; nhiều sáng kiến giải pháp không tính được bằng tiền nhưng có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Toàn ngành Công Thương đã được Chính phủ và Nhà nước tặng thưởng: 12 Anh hùng lao động (11 tập thể, 1 cá nhân), 207 đơn vị được nhận Cờ thi đua của Chính phủ, 954 đơn vị được nhận Cờ thi đua của Bộ, 48 Chiến sỹ thi đua toàn quốc, 16 Nghệ nhân Ưu tú, 5 Nhà giáo Nhân dân, 492 tập thể và cá nhân được tặng thưởng từ Huân chương lao động đến Huân chương độc lập, 1.633 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ,...
Thành công trong gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI là đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong các lĩnh vực công nghiệp và thương mại, năng lực sản xuất không ngừng tăng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp được tăng cường do từng bước hiện đại hóa công nghệ, thiết bị, tăng năng suất lao động. Đảm bảo và tăng thêm việc làm, tăng thu nhập cho công nhân viên chức lao động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội của đất nước.
Nhằm động viên khen thưởng kịp thời, Bộ Công Thương đã khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng với nhiều hình thức thường xuyên, đột xuất và chuyên đề, đồng thời vận dụng hình thức khen thưởng Kỷ niêm chương “Vì sự nghiệp phát triển ngành Công Thương Việt Nam” đã góp phần động viên, khích lệ không chỉ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành mà còn với cán bộ ngoài Ngành và người nước ngoài có nhiều đóng góp cho sự phát triển ngành Công Thương. 5 năm qua đã có 25.149 Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển ngành Công Thương Việt Nam" được trao tặng.
Thi đua yêu nước là động lực thúc đẩy
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhiệt liệt biểu dương những thành tích ngành Công Thương đạt được trong giai đoạn 2010 – 2015. Phó Thủ tướng thống nhất với những điểm mạnh cũng như hạn chế Báo cáo tổng kết phong trào thi đua đã chỉ ra và khẳng định đây là cơ sở xác thực nhất để ngành Công Thương đề ra mục tiêu giai đoạn tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải biểu dương thành tích của ngành Công Thương
Thay mặt người lao động ngành Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cảm ơn những đánh giá và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Bộ trưởng hứa trong giai đoạn tới sẽ thực hiện phong trào một cách có hiệu quả, góp phần thiết thực vào sự lớn mạnh của đất nước. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: công tác thi đua yêu nước luôn là động lực thúc đẩy ngành Công Thương phát triển. Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương sẽ nêu cao ý chí tự lực, khắc phục khó khăn, phấn đấu, dành thắng lợi mới, hiệu quả mới.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bùi Huy Sơn
Tham luận tại Đại hội, đại diện Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, Cục trưởng Bùi Huy Sơn khẳng định: phong trào thi đua ở Cục Xúc tiến thương mại cũng như hệ thống các đơn vị xúc tiến thương mại trên cả nước đã không ngừng đổi mới cả về hình thức và nội dung, đem lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội to lớn. Theo ông Bùi Huy Sơn, phong trào thi đua cũng như công tác xúc tiến thương mại thời gian tới, đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập cần được đẩy mạnh hơn nữa, coi đó là công cụ hữu hiệu để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, đưa những sản phẩm thế mạnh của nước nhà khẳng định ở thị trường quốc tế. Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo cấp trên để hoạt động xúc tiến thương mại sẽ ngày càng thành công. Về phía Cục Xúc tiến thương mại, ông Bùi Huy Sơn hứa sẽ cùng các cán bộ đoàn kết, phấn đấu, nỗ lực không ngừng, phát huy sức mạnh của phong trào thi đua, khẳng định thương hiệu Việt ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam cũng như vươn tầm thế giới.
Thi đua yêu nước để vươn đến tầm cao mới
Một là, tiếp tục quán triệt nội dung Chỉ thị số 39-CT/TW, Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến để nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu của cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, đảm bảo thiết thực hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan không thực chất.
Hai là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Qua đó, làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, người lao động trong Ngành.
Ba là, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng: Tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, có chủ đề tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, không hình thức.
Bốn là, thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức các phong trào thi đua.
Năm là, thực hiện đổi mới công tác khen thưởng đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất - kinh doanh. Chủ động khen thưởng, đề xuất cấp trên khen thưởng cho tập thể, cá nhân người nước ngoài có đóng góp lớn cho ngành Công Thương Việt Nam.
Sáu là, kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng theo hướng tổ chức gọn, nhẹ, hiệu quả, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác thi đua, khen thưởng. Nâng cao vai trò của Hội đồng Thi đua- Khen thưởng các cấp theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.
Với tinh thần “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, tại Đại hội, ông Lý Quốc Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam đã phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ngành giai đoạn 2016 – 2020, kêu gọi các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương hăng hái thi đua, góp phần đưa ngành Công Thương vươn đến tầm cao mới, xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Theo Moit.gov.vn