Thứ Hai, 25/11/2024 10:18:43 GMT+7
Lượt xem: 5064

Tin đăng lúc 24-12-2015

Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn hệ thống lưới truyền tải điện Quốc gia

Truyền tải điện Hà Nội (TTĐ) là đơn vị trực thuộc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) có nhiệm vụ quản lý vận hành (QLVH) hệ thống lưới điện 220 kV đến 500 kV và Hệ thống kênh luồng cáp quang trên địa bàn 6 tỉnh/thành phố, gồm: Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh và Hưng Yên.
Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn hệ thống lưới truyền tải điện Quốc gia
Đồng chí Phạm Lê Phú - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Công ty PTC1 và Đồng chí Đỗ Đình Hào - Ủy viên BTV tỉnh ủy - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc công an tỉnh Hưng Yên ký kết qui chế phối hợp bảo vệ an ninh, an toàn hệ thống điện trên địa bàn tỉnh

Đây là một trong những địa bàn trọng điểm, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa không chỉ đối với khu vực đồng bằng Bắc Bộ, mà còn là của cả nước, do đó, việc quản lý vận hành lưới điện truyền tải liên tục, an toàn, ổn định là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia nói chung, của PTC1 nói riêng.

 

Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, ngoài khối lượng lớn lưới điện trên địa bàn 06 tỉnh, thành phố thì riêng tỉnh Hưng Yên, TTĐ Hà Nội đang quản lý 02 trạm biến áp 220 kV, 04 tuyến ĐZ 220 kV (tổng chiều dài hơn 70 km) và 01 tuyến ĐZ 500 kV Quảng Ninh – Thường Tín (dài hơn 30 km). Lưới điện truyền tải đi qua 08 huyện, thị xã, thành phố, 47 xã/phường, thị trấn. Dự kiến, trong năm 2016, một số tuyến đường dây và trạm biến áp khu vực Hà Nội sẽ được đưa vào vận hành như Trạm 500 kV Phố Nối, đường dây 220 kV Thái Bình – Kim Động kép mạch vòng cấp điện cho Hưng Yên và Hà Nội từ Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình.

 

Với khối lượng quản lý vận hành lưới điện lớn như vậy, nên trong suốt 10 năm qua, TTĐ Hà Nội đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, do nhận thức của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện còn hạn chế; Việc phối hợp tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ đường dây và trạm chưa được thường xuyên, liên tục; Nhiều địa phương người dân vẫn bất chấp nguy hiểm, xây dựng nhà cửa, công trình dưới đường dây đang mang điện; Trách nhiệm của chính quyền, người dân một số địa phương chưa được nâng cao, coi việc bảo vệ an toàn lưới điện là việc riêng của ngành Điện. Bên cạnh đó, dọc các tuyến đường dây và trạm biến áp tại một số huyện, xã còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như nhiều hộ gia đình trồng cây cao, hoặc bắn chim, thả diều trong và sát hành lang đường dây, trạm biến áp, gây sự cố cháy nổ. Đặc biệt có địa phương, người dân vì lợi ích cá nhân, hoặc thiếu hiểu biết, tháo trộm thanh giằng, bu lông cột điện làm sắt vụn, phá hoại công trình, gây thiệt hại lớn đến tài sản quốc gia.

 

Xác định được trách nhiệm của mình là phải đảm bảo lưới điện truyền tải phải được quản lý vận hành an toàn, liên tục, phục vụ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của các địa phương, từ năm 2005 đến nay, Công ty Truyền tải điện 1 đã giao cho Truyền tải điện Hà Nội phối hợp với chính quyền các địa phương, trong đó có Công an tỉnh Hưng Yên (CA) thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn hệ thống lưới truyền tải điện trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai, TTĐ Hà Nội đã chủ động đề xuất với cấp trên, phối hợp với CA tỉnh Hưng Yên ký kết Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống lưới truyền tải điện Quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2004 – 2015. Theo Đại tá Đỗ Đình Hào - Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, hệ thống truyền tải điện quốc gia nằm trên địa bàn tỉnh là những công trình có quy mô lớn, phạm vi hoạt động trải rộng trên nhiều khu vực, có ý nghĩa kinh tế, chính trị quan trọng và luôn tiềm ẩn nguy cơ cao. Chính vì vậy việc đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách.

 

Bên cạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới mọi thành phần tại các địa phương được duy trì thực hiện tốt, hình thức tuyên truyền đa dạng, hiệu quả như: Tổ chức hội nghị tuyên truyền tại các các địa phương có điểm nóng; tuyên truyền trên loa đài, tờ rơi, áp phích, pa nô tại UBND các xã, nhà văn hóa thôn, trường học, nơi tập trung đông người; ký cam kết với các, doanh nghiệp, hộ dân gần đường dây và trạm biến áp trong công tác bảo vệ và phòng chống cháy nổ, không vi phạm hành lang an toàn lưới điện, TTĐ Hà Nội và Công an tỉnh Hưng Yên triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ chính trị nội bộ, rà soát, kiểm tra việc thực hiện quy chế, quy định về công tác bảo vệ và PCCC trong toàn Công ty và đơn vị, chấp hành nghiêm chỉnh Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, không để kẻ địch, kẻ xấu lôi kéo, phá hoại nội bộ, nhiều đơn vị đã đăng ký với Công an địa phương không có hành vi vi phạm pháp luật. Phát động CBCNV tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ an toàn cơ quan đơn vị, duy trì có hiệu quả phong trào “Người tốt việc tốt”. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc pháp lệnh về PCCC, hàng năm tại các trạm biến áp, đã phối hợp với Công an PCCC địa phương rà soát phương án, tổ chức diễn tập tại các trạm, đồng thời kiểm tra số lượng, chất lượng các phương tiện cứu hỏa đảm bảo yêu cầu khi cần thiết có thể huy động giải quyết kịp thời. Vì vậy trong 10 năm qua, sự phối hợp giữa hai ngành Điện và địa phương trong các mặt công tác luôn tạo được sự thống nhất cao. Nhờ vậy, hệ thống lưới truyền tải điện Quốc gia từ 220 kV đến 500 kV trên địa bàn tỉnh Hưng Yên luôn đảm bảo an toàn, không để xảy ra mất an ninh trật tự, giảm thiểu các vụ sự cố do vi phạm hành lang gây ra.

 

Riêng các tuyến đường dây 500 kV, thì ngoài công tác tuyên truyền, TTĐ Hà Nội đã ký hợp đồng bảo vệ với UBND các xã và phối hợp với Công an các huyện có đường dây đi qua để chỉ đạo Công an các xã liên quan trong công tác tổ chức lực lượng phối hợp bảo vệ, nhằm phát hiện, ngăn chặn và báo cáo kịp thời các hiện tượng bất thường trên các tuyến đường dây với chính quyền, cơ quan Công an và đơn vị QLVH gần nhất để có biện pháp phối hợp xử lý, nên lưới điện được đảm bảo an toàn tuyệt đối, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho các dịp lễ tết và những sự kiện chính trị của đất nước và của các tỉnh.

 

Có thể nói, để có được kết quả cao trong công tác bảo vệ an toàn hệ thống lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, phải ghi nhận sự phối hợp tốt giữa Công ty Truyền tải điện 1 và TTĐ Hà Nội với chính quyền từ tỉnh tới các địa phương, trong đó, Công an tỉnh Hưng Yên đóng vai trò nòng cốt. Đặc biệt trong quá trình thực hiện Quy chế, ngành Điện và địa phương đã có cơ chế khen thưởng động viên đối với những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng có nguy cơ gây sự cố lưới điện.

 

Từ những kết quả đạt được, tại Hội nghị Tổng kết công tác thực hiện Quy chế phối hợp giữa TTĐ Hà Nội với Công an tỉnh Hưng Yên, các đại biểu đã phân tích, đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra những phương hướng trọng tâm cho những năm tiếp theo; Tiếp tục ký kết QCPH giai đoạn 2016 – 2020 với nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn với tình hình thực tế, nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác phối hợp đảm bảo hành lang an toàn lưới điện được thống nhất, chặt chẽ, đem lại lợi ích tối đa cho toàn ngành, toàn tỉnh và cả nước nói chung.

 

Với những kinh nghiệm, bài học đã tích lũy được, dựa trên thực tế và kết quả của sự phối hợp, chắc chắn Công ty Truyền tải điện 1 nói chung, TTĐ Hà Nội nói riêng và CA tỉnh Hưng Yên sẽ ngày càng có sự gắn kết, hỗ trợ hơn nữa trong công tác đảm bảo an toàn lưới điện vì mục tiêu giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020.

 

Lý Nguyễn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang